Khi nhắc tới du lịch Nha Trang du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những bãi biển trải dài với màu cát trắng xinh đẹp. Bên cạnh đó khi đến với Nha Trang du khách tìm hiểu về văn hóa con người nơi đây và một đều không thể bỏ lỡ trong những điểm đến đặc biệt mà chỉ có ở Nha Trang đó là Viện Hải Dương Học Nha Trang nơi bảo tồn, nghiên cứu, giới thiệu về đời sống sinh vật biển được ra đời sớm nhất ở Việt Nam và được coi là cơ sở lưu trữ hiện vật và nghiên cứu về biển lớn nhất Đông Nam Á cho tới thời điểm hiện tại. Đến với bảo tàng của Viện Hải Dương Học, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng bộ sưu tập đồ sộ, đặc trưng cho hệ sinh thái biển với khoảng 4.000 loài sinh vật và hơn 20.000 mẫu vật được lưu trữ vô cùng cẩn thận tại đây.

Khám phá những điều thú vị tại Viện Hải Dương Học

Khi đến với Viện Hải Dương Học du khách sẽ có cơ hội được tận mắt chứng kiến những sinh vật sống được nuôi thả trong bể kính. Có đến hàng trăm loài sinh vật biển quý hiếm đang được nuôi giữ tại đây như: cá mập, rùa biển, cá chình, cá hoàng hậu, tôm hùm, cá mặt quỷ, hải cẩu,…

Du khách sẽ chiêm ngưỡng hàng trăm loài sinh vật biển nhiệt đới có vẻ đẹp quyến rũ như cá mao tiên – nàng “công chúa biển” có tua vây lả lướt, được lấy làm biểu tượng của Viện Hải Dương Học.

Cá mao tiên tại Viện Hải Dương học Nha Trang
Cá mao tiên – biểu tượng của Viện Hải Dương Học Nha Trang

Những chú cá nàng đào rực rỡ sắc màu cùng vô số loài san hô sống tuyệt đẹp được nuôi giữ trong bể nước mặn.

Cá nàng đào tại Viện Hải Dương học Nha Trang
Cá nàng đào – Viện Hải Dương Học Nha Trang

Cá dao – cá sống theo đàn, đầu hướng xuống dưới khi bơi giúp chúng nguỵ trang, trú ẩn trong các rạn san hô hoặc thảm cỏ biển. Khi gặp nguy hiểm, cá chuyển cơ thể theo hướng ngang và di chuyển với tốc độ nhanh ngạc nhiên.

Cá dao

Hải quỳ ống – còn gọi là cây dừa biển. Chúng bắt mồi bằng cách sử dụng các tua râu mảnh mai có chất nhầy để bắt các sinh vật bơi lơ lửng bên trên. Khi gặp nguy hiểm, chúng thu mình vào trong ống để lẩn tránh.

Hải quỳ ống

Cá ngựa đen – là một trong những loài cá có giá trị dược phẩm cao nên số lượng đang bị sụt giảm nghiêm trọng. Giống như các loài cá ngựa khác, cá ngựa đực có một túi trước bụng để mang thai và ấp trứng giúp cá ngựa cái.

Cá ngựa đen

Trai tai tượng vảy khổng lồ có lớp vỏ kỳ dị, trông như hàng trăm chiếc lá lớn nhiều màu sắc xếp lớp lên nhau.

Trai tai tượng khổng lồ

Cá mặt quỷ có hình thức ngụy trang đặc biệt, hòa lẫn vào môi trường khiến kẻ thù khó nhận biết.

Cá mặt quỷ

Ngoài chức năng bảo tồn, Bảo tàng Hải dương học còn có nhiệm vụ không hề kém quan trọng là phổ biến, giáo dục kiến thức về bảo vệ, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên biển, đại dương.

Tham quan khu trưng bày mẫu vật lớn

Khám phá khu trưng bày mẫu vật lớn với diện tích rộng tới gần 200m2, du khách sẽ được chiêm ngưỡng ba mẫu vật lớn:

  • Bộ xương cá voi lưng gù siêu to với chiều dài 18m, nặng 10.000kg đã bị chôn vùi trong lòng đất ở đồng bằng sông Hồng hơn 200 năm.
  • Bò biển (Dugong) còn có tên gọi khác là mỹ nhân ngư – nhân vật chính trong truyền thuyết nàng tiên cá, là loài thú biển quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng.
  • Bộ xương cá nạng hải nặng gần 1000kg, dài 3.5m
Bộ xương cá voi khổng lồ

Tham quan khu đa dạng sinh học biển

Đây là nơi sở hữu gần 23.000 mẫu tiêu bản sinh vật biển thuộc 5.000 loài động vật thuộc nhóm hải miên, ruột khoang, thân mềm, giáp xác, bò sát, thú biển,… Trong đó có rất nhiều mẫu sinh vật biển vô cùng quý hiếm như: cá vua, cá tầm, cá mặt trăng đuôi nhọn, hải cẩu, trai khổng lồ, cá ông chuông,…

Tham quan khu hiện vật phi sinh vật

Khu hiện vật phi sinh vật là nơi sưu tập và lưu giữ những mẫu địa chất thu thập từ nhiều vùng biển khác nhau trên khắp đất nước Việt Nam. Ngoài ra, du khách cũng sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng các máy móc, thiết bị nghiên cứu biển và khí tượng qua các thời kỳ khác nhau. Đây là cơ hội quý giá để hiểu thêm về quá trình hình thành và phát triển của ngành nghiên cứu biển trong nước cũng như trên toàn thế giới.

Khám phá khu tài nguyên biển Hoàng Sa – Trường Sa

Khu trưng bày nhằm giới thiệu và cung cấp thêm những kiến thức bổ ích về tài nguyên, môi trường của hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa, cũng như tuyên truyền về chủ quyền biển đảo Việt Nam cho khách du lịch trong và ngoài nước.

Mẫu vật bò biển

Lịch sử hình thành Viện Hải Dương Học

Viện Hải Dương Học Nha Trang, ban đầu có tên là “Sở Hải dương học nghề cá Đông dương”, được thành lập vào năm 1922 dưới thời Pháp thuộc. Năm 1969, cơ quan này được tiếp nhận và quản lý bởi Viện Đại học Sài Gòn. Nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi cùng với sự đa dạng sinh học vô cùng phong phú, Viện Hải Dương Học Nha Trang được xem là cơ sở nghiên cứu và lưu trữ về biển lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Đến thăm Viện, du khách sẽ được chiêm ngưỡng tận mắt bảo tàng này đang lưu giữ hơn 20.000 mẫu vật của hơn 4.000 loài sinh vật biển và động thực vật, bao gồm cả Biển Đông, Vịnh Thái Lan và Biển Hồ Campuchia. Bên cạnh đó, nơi đây còn có rất nhiều loài sinh vật biển sống được nuôi thả trong bể kính.

Hướng dẫn đường đi đến Viện Hải Dương Học Nha Trang

Viện Hải Dương Học Nha Trang có địa chỉ tại số 1 Cầu Đá, phường Vĩnh Hòa, Tp Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 4,3 km về phía Nam.

Cách di chuyển đến Viện Hải Dương Học Nha Trang

Để di chuyển tới Viện Hải Dương Học Nha Trang du khách có thể đi bằng phương tiện cá nhân (xe máy, ô tô) hoặc xe bus.

  • Di chuyển bằng phương tiện cá nhân: Từ trung tâm thành phố Nha Trang, đi thẳng theo hướng Trần Phú. Đi hết đường, du khách sẽ gặp cảng Cầu Đá, từ đây du khách sẽ nhìn thấy Viện Hải Dương Học Nha Trang, ở trước cổng có biểu tượng hình cá mao tiên.
  • Di chuyển bằng xe bus: Bắt tuyến xe số 04 từ trung tâm thành phố đến điểm cuối là Viện Hải Dương Học Nha Trang.

Thời gian mở cửa tham quan Viện Hải Dương Học và giá vé 2023

Thời gian mở cửa Viện Hải Dương Học: từ 6:00 – 18:00 tất cả các ngày trong tuần kể cả ngày lễ.

Giá vé:

  • Người lớn: 40.000 VNĐ/vé
  • Sinh viên: 20.000 VNĐ/vé
  • Học sinh: 10.000 VNĐ/vé

Những điều cần lưu ý khi tham quan Viện Hải Dương Học Nha Trang

  • Du khách không được làm ồn và đem theo đồ ăn cá nhân cho các loài sinh vật ăn.
  • Du khách cần cẩn thận khi tham quan ở các khu lưu trữ mẫu vật, không tự ý chạm vào hoặc đùa giỡn và gây đổ vỡ hiện vật bên trong.
  • Để hiểu hơn về các loài sinh vật biển ở Viện Hải Dương Học du khách nên thuê thuyết minh tại điểm để được hướng dẫn và tìm hiểu một cách cụ thể nhất

Khi đến với Viện Hải Dương Học Nha Trang, du khách sẽ được đắm chìm trong thế giới đại dương bao la, khám phá thế giới kỳ bí của biển cả. Hy vọng với những kinh nghiệm khám phá bảo tàng Viện Hải Dương Học Nha Trang được gợi ý trên đây sẽ giúp chuyến đi của du khách thêm trọn vẹn và có nhiều kỷ niệm đáng nhớ.