Miếu Bà Chúa Xứ được biết đến là địa điểm tâm linh nổi tiếng tại An Giang và khu vực miền Tây Nam Bộ. Nơi đây không chỉ là điểm đến du lịch mà còn có những công trình tôn giáo, văn hóa tôn nghiêm và tín ngưỡng lâu đời của vùng đất này. 

1. Miếu Bà Chúa Xứ ở đâu?

Miếu Bà Chúa Xứ tọa lạc dưới chân núi Sam thuộc phường núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. Nơi đây có rất nhiều truyền thuyết huyền bí xung quanh hoàn cảnh ra đời của ngôi miếu, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, quý khách di chuyển theo quốc lộ 1A, qua Cầu Mỹ Thuận đi tiếp Quốc lộ 91 là sẽ đến được trung tâm thành phố Châu Đốc. Đi thêm tầm 200km chúng ta sẽ tới được Miếu Bà Chúa Xứ.

2. Miếu Bà Chúa Xứ có từ khi nào?

Cách đây khoảng 200 năm, người dân địa phương tại Châu Đốc đã phát hiện ra tượng Bà ở trên đỉnh núi Sam và muốn đưa xuống. Tuy nhiên, mấy chục thanh niên cường tráng định khiêng tượng Bà nhưng không được, và có một“cô Đồng” nói rằng chỉ cần 9 cô gái đồng trinh lên khiêng xuống thì sẽ được. Nhưng đến chân núi thì tượng Bà bất ngờ nặng trịch không thể đi nữa, nên người dân nghĩ Bà chọn nơi đây để an vị và đã lập miếu tôn thờ.

Một truyền thuyết khác liên quan đến ngôi miếu này, đó là nói về công lao ông Thoại Ngọc Hầu. Khi ông đi dẹp giặc ngoại xâm ở biên giới, bà Châu Thị Tế đã khấn vái Bà Chúa Xứ phù hộ cho ông dẹp yên giặc, gìn giữ xóm làng bình yên. Để tạ ơn những điều linh nghiệm, ông Thọai Ngọc Hầu đã cho thỉnh Bà từ trên đỉnh núi Sam về xây một ngôi miếu khang trang dưới chân núi, và chọn ngày 24.4 là ngày cúng lễ Bà.

3. Bà Chúa Xứ Núi Sam là ai?

Theo nhiều nghiên cứu, tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc được đánh giá là pho tượng đá sa thạch xa xưa nhất ở Việt Nam, và có nhiều bộ áo phụng cùng nhất theo sách Kỷ lục của tỉnh An Giang 2009. 

Theo Louis Malleret – một nhà khảo cổ người Pháp đã nghiên cứu và cho rằng, tượng Bà vốn thuộc nhóm tượng thần Vishnu (nam thần). Sau khi nghiên cứu và dự đoán, tượng Bà có giá trị nghệ thuật rất cao và được tạc vào cuối thế kỷ thứ VI. Rất có thể, tượng Bà là một hiện vật còn sót lại của nền văn minh Óc Eo. 

Nhưng theo những ghi chép của nhà văn Sơn Nam, ông cho rằng tượng Bà vốn là tượng Phật nam của người Khmer xưa đã bị bỏ quên rất lâu trên đỉnh núi Sam. Một thời gian sau, tượng Bà được người dân Việt mang về và tân trang lại. 

Một nhận định khác nữa đến từ ông Trần Văn Dũng, tác giả cuốn “Lịch sử khai phá vùng Châu Đốc 1757-1857” cũng cho rằng, tượng Bà Chúa Xứ vốn là tượng nam, đang ngồi với tư thế vương giả. Phần đầu tượng hiện nay vốn không phải là nguyên gốc mà là đã được chế tác lại, vì đá ở phần này khác hẳn đá ở phần thân tượng.

4. Kiến trúc độc đáo của Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam

Ngày trước miếu Bà được xây dựng đơn sơ bằng tre lá, nằm quay về hướng tây bắc, phần lưng thì quay về vách núi, còn chính điện nhìn ra con đường và cánh đồng làng. 

Vào năm 1870, miếu được người dân xây dựng lại bằng gạch hồ ô dước. Trong 4 năm từ 1972 đến 1976, miếu Bà được hai kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng và Nguyễn Bá Lăng tái thiết lớn tạo nên dáng vẻ như hiện nay.

Miếu Bà có bố cục kiểu chữ “Quốc”, hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền đang lướt sóng. Các hoa văn ở cổ lầu chánh điện thể hiện đậm nét nghệ thuật. Phía trên cao, các tượng thần khỏe mạnh, đẹp đẽ giang tay đỡ những đầu kèo.

Bên trong miếu thì lại được thiết kế và trang trí mang đậm nét nghệ thuật Ấn Độ. Các cánh cửa miếu được các nghệ nhân chạm trổ, điêu khắc tinh xảo. Nhiều liễn đối và hoành phi ở nơi đây cũng được dát vàng son rực rỡ. Đặc biệt, bức tượng phía sau tượng Bà, bốn cây cột cổ lầu trước chánh điện gần như được giữ nguyên như cũ.

Tượng Bà được người dân đặt ở giữa chính điện. Bên phải tượng là một linga bằng đá to, cao khoảng 1.2m đặt trên một hương án thờ, gọi là bàn thờ Cậu. Bên trái tượng Bà là hương án thờ một tượng gỗ chạm hình yoni, gọi là bàn thờ Cô. Lớp thứ hai là bàn thờ Hội đồng, sát liền hai tượng chim phượng. Hai bên trái, phải của bàn thờ Hội đồng là bàn thờ Tiền hiền khai khẩn nằm bên trái và bàn thờ Hậu hiền khai cơ ở bên phải.

Khuôn viên vô cùng rộng rãi thoáng đãng với những cây cổ thụ rợp bóng xanh mát và nhiều cảnh được tạo dáng đẹp mắt. Điểm tô cho không gian là sắc hoa rực rỡ. Vào buổi tối, khi đèn lên, không gian miếu cổ kính lại thêm phần lung linh. Vãn cảnh chùa, thắp nhang cầu những điều bình an tốt lành cho bản thân và gia đình xong, quý khách có thể leo lên tầng cao của ngôi miếu, ngắm nhìn cảnh vật từ trên cao, đưa mắt hướng về phía xa, quý khách có thể thấy được cả 1 góc của thành phố.

5. Lễ hội hằng năm của Miếu Bà Chúa Xứ – Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam

Từ tháng 1 đến tháng 4 âm lịch hàng năm, Miếu Bà luôn nô nức dòng người đến thăm viếng. Bởi đây chính là khoảng thời gian diễn ra lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam ( 24-27/4 âm lịch). Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ chính thức diễn ra từ ngày 24 đến ngày 27 tháng 4 âm lịch hàng năm, trong đó có ngày vía chính là ngày 25.  Năm 2015, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Vào mùa lễ hội, hàng triệu người từ khắp các vùng miền cả nước, nhiều nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ về đây dự lễ tắm tượng Bà, lễ dâng hương cầu phúc lành… và tham gia các trò chơi như hát bôi, múa võ, ca nhạc ngũ âm, múa lân, đánh cờ…

Lễ “Tắm Bà” ở Chùa Bà An Giang

Lễ “Tắm Bà” được cử hành vào lúc 0 giờ đêm 23 rạng 24 tháng 4 âm lịch. Lễ tắm được chuẩn bị vô cùng công phu, tỉ mỉ và tiến hành trong không khí vô cùng trang nghiêm. Lễ tắm Bà thường kéo dài khoảng một giờ. Sau đó bức màn ngăn được kéo lên để khách tự do dâng hương, xin lộc bà. Phần lễ kết thúc, nước tắm Bà còn lại sẽ đem hòa trong 2 thùng nước lớn rồi phân phát cho du khách.

Lễ Thỉnh sắc ở Miếu Bà Chúa Xứ linh thiêng – Chùa Bà Núi Sam

Lễ “Thỉnh sắc” tức rước sắc và bài vị ông Thoại Ngọc Hầu cùng 2 vị phu nhân từ Sơn Lăng về miếu bà. Lễ được cử hành lúc 16h chiều ngày 25. Từ miếu Bà sang lăng Thoại Ngọc Hầu để rước bài vị với nhiều nghi lễ vô cùng trang nghiêm và công phu.

Lễ Túc yết ở miếu Bà Chùa Xứ Châu Đốc

Lễ Túc Yết được cử hành lúc 0 giờ đêm 25 rạng 26/04 âm lịch. Lễ gồm có 2 phần: nghi thức cúng tế và phần xây chầu. Lễ vật dâng cúng gồm có: một con heo trắng, một đĩa huyết heo có kèm theo nhúm lông nhỏ. Một mâm trái cây, trầu cau, gạo, muối. Sau ba hồi chiêng, trống, nhạc lễ nổi lên, lễ dâng hương và dâng trà bắt đầu. Ngay sau đó là “Lễ Xây Chầu” mở đầu bằng việc hát bộ.

Lễ Chánh Tế ở chùa Bà Châu Đốc

Lễ “Chánh Tế” được cử hành vào lúc tờ mờ sáng ngày 27. Và nghi lễ diễn ra, khá giống với nghi thức cúng Túc Yết.

Lễ Hồi sắc

Lễ Hồi Sắc được cử hành vào khoảng 15h ngày 27/04, ngay sau khi lễ Chánh Tế kết thúc. Đây là lúc đoàn rước bài vị Thoại Ngọc Hậu và 2 vị phu nhân trở về Sơn Lăng. Đến đây là kết thúc lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi Sam. Ngày nay, du khách đến viếng Miếu Bà Chúa Xứ để xin lộc từ Bà, cầu tiền tài, bình an và chiêm ngưỡng công trình kiến trúc tâm linh độc đáo, ẩn chứa những câu chuyện truyền kỳ, huyền thoại của vùng đất An Giang.

5. Những địa điểm du lịch khác nổi tiếng gần Miếu Bà Chúa Xứ

Lăng Thoại Ngọc Hầu

Lăng Thoại Ngọc Hầu còn gọi là Sơn Lăng, là một công trình kiến trúc nguyên vẹn hiếm hoi tiêu biểu thời nhà Nguyễn còn lại ở đất phương Nam, cách Miếu Bà Chúa Xứ tầm 900m. Đây là một công trình bề thế, tuyệt mỹ, rất có giá trị về văn hóa, lịch sử và kiến trúc. Nếu dự định du lịch An Giang  đến Châu Đốc, quý khách đừng quên tìm đến nơi này nhen

Tây An Cổ Tự

Cách Miếu Bà Chúa Xứ tầm 500m, nằm trong quần thể di tích nổi tiếng ở An Giang là khu du lịch Núi Sam với các địa danh: chùa Tây An, chùa Phước Điền (chùa Hang), lăng Thoại Ngọc Hầu và miếu Bà Chúa Xứ. 

Đã được Bộ Văn hóa xếp hàng là di tích “kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia” ngày 10/07/1980 và đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận đây là “ngôi chùa có kiến trúc kết hợp phong cách nghệ thuật Ấn Độ và kiến trúc cổ dân tộc đầu tiên tại Việt Nam”.

Khu du lịch Núi Cấm

Mảnh đất An Giang nổi tiếng bởi cảnh quan thiên nhiên nhuốm màu sắc huyền bí, trong đó phải kể đến vùng Bảy Núi hay Thất  Sơn. Nổi bật trong dãy Thất Sơn là ngọn núi Cấm cao khoảng 710m so với mực nước biển trung bình.

Núi Cấm còn được gọi là Thiên Cấm Sơn, nằm ngay trung tâm của vùng Bảy núi chính vì thế núi Cấm có vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ. Đặc biệt, đỉnh Bồ Hong ở trên núi Cấm chính là đỉnh núi cao nhất trong Thất Sơn và cũng là ngọn núi cao nhất Đồng Bằng Sông Cửu Long. 

Với khí hậu mát mẻ được ví như một phiên bản “Đà Lạt” của miền Tây, Núi Cấm trở thành điểm tham quan, vui chơi, chiêm bái hấp dẫn bậc nhất trong các điểm du lịch An Giang

Lưu ý khi đến tham quan Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam

Chọn trang phục kín đáo và lịch sự khi viếng Bà.

Không vứt rác bừa bãi làm mất vẻ đẹp của Miếu.

Không gây ồn ào, mất trật tự. 

Chụp ảnh mang tính nhân văn, không gây phản cảm.

Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam vang danh khắp vùng không chỉ bởi sự tâm linh mà còn bởi ý nghĩa lịch sử to lớn. Từ những di tích vật thể đến những giai thoại được truyền miệng từ đời này sang đời khác, đều gắn với những sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc. Nơi đây chắc chắn là một trong những địa điểm thú vị mà du khách nên đến tham quan trong chuyến du lịch An Giang sắp tới. Bee Travel kính chúc quý khách có nhiều sức khỏe và một chuyến đi đầy ý nghĩa !