núi thị vải vũng tàu

Núi Thị Vải – Vũng Tàu thu hút khách du lịch với vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng và bầu không khí trong lành. Đến đây, du khách sẽ được hòa mình vào không gian thiên nhiên đầy yên bình và thanh tịnh. 

1. Núi Thị Vải ở đâu?

Núi Thị Vải thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh tầm 65km, cách Thành phố Bà Rịa tầm 35km. Núi này còn có cái tên khác là núi Thị Vãi. Trên đường tới đỉnh núi có  cảnh quan thiên nhiên vô cùng thoáng đãng và 3 ngôi chùa lớn theo thứ tự là chùa Liên Trì, chùa Hồng Phúc và chùa Linh Sơn Bửu Thiền.

núi thị vải vũng tàu
Núi Thị Vải Vũng Tàu

2. Câu chuyện về nguồn gốc ra đời của Núi Thị Vải

✍️ Cái tên núi Thị Vải bắt nguồn từ câu chuyện xưa kia về người con gái tên là Lê Thị Nữ được chép trong sách “Gia Định thành thông chí”. Bà có gia thế rất giàu có, vì kén chọn nên sau khi cha mẹ mất rồi mới lấy chồng. 

gia định thành thông chí
Gia định thành thông chí

Nhưng lấy chồng chưa được bao lâu thì chồng cũng mất nên bà quyết tâm không đi bước nữa. Tuy nhiên do bọn cường hào cứ cậy người mai mối mà tới quấy nhiễu hết lần này đến lần khác, bà quyết định cạo đầu đi tu.

Bà lập một cái am trên núi, tự mình làm sư thầy, các đầy tớ trong nhà trở thành đệ tử, ngày ngày tụng kinh niệm phật trên đó, cuối cùng cũng tu thành chính quả. Người dân thấy vậy đã lấy cái tên núi Nữ Tăng (tục là núi Thị Vãi) để đặt cho ngọn núi ấy. Dần dần, từ Thị Vãi người dân đọc sai nên mới có cái tên Thị Vải như ngày hôm nay. 

✍️ Còn trong sách “Đại Nam nhất thống chí” thì kể về chuyện tình dang dở của bà Thị Vải và ông Trịnh. Xưa kia có cô gái tên là Thị Vải, có cảm tình với nô bộc trong nhà nhưng do nhiều lý do mà cả hai không dám đến với nhau. Sau quãng thời gian dài, người dân trong vùng phát hiện xác 2 người ở 2 nơi khác nhau. Từ chỗ đó, mọc lên 2 ngọn núi nên người ta lấy cả hai đặt cho nơi này là núi Ông Trịnh và núi Thị Vải.

đại nam thông nhất chí
Đại Nam Thống Nhất chí

Nhờ vào sự tích núi Ông Trịnh và núi Thị Vải này mà mới biết rằng tên gọi của núi đã có trên 200 năm. Tham quan núi Thị Vải, quý khách không chỉ được chiêm ngưỡng những cảnh quan tuyệt vời của núi rừng mà còn cảm thấy thanh tịnh, an yên khi đặt chân đến mảnh đất linh thiêng này.

Núi Thị Vải nơi ghi dấu ấn của người con gái gắn liền với cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh

✍️ Còn theo tác phẩm “Cuộc chia ly trên Bến Nhà Rồng” của NXB Kim Đồng thì kể về chuyện tình của Bác Hồ với Lê Thị Út ( Út Huệ). Bà là con gái của nhà giữ chức quan nhỏ và là học trò thầy Cử Nghệ Nguyễn Sinh Sắc khi còn ở Huế. Khi Nguyễn Tất Thành lên 10 và Lê Thị Huệ lên 8, vốn gắn bó với nhau vì tình đồng môn và càng gắn bó hơn khi cả hai đều sớm mồ côi mẹ. Do tình hình chiến tranh lúc bấy giờ nên họ phải xa nhau. 

cuộc chia ly trên bến nhà rồng
cuộc chia ly trên bến nhà rồng

Sau khi Nguyễn Tất Thành từ Phan Thiết vào Sài Gòn, hai người gặp lại nhau. Đến khi Nguyễn Tất Thành lên tàu tìm đường cứu nước, ở lại Sài Gòn, Lê Thị Huệ vẫn dõi theo và đợi chờ…

Năm 1981, bà Lê Thị Huệ qua đời. Năm 1982, “Búp sen xanh” ra đời. Đến năm 2015, “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng” đến tay bạn đọc. Chúng ta hiểu rõ hơn về gia thế của người con gái suốt đời chờ đợi Nguyễn Tất Thành.

3. Núi Thị Vải có gì đặc biệt?

 3.1. Ngàn bậc thang Núi Thị Vải 

Là ngọn núi chỉ cao khoảng 750m so với mặt nước biển, nhưng đường lên đỉnh núi Thị Vải, quý khách sẽ phải trải qua 1340 bậc thang đá hoa cương với lối đi vòng vèo dài khoảng 3km. Tuy đoạn đường khá dài, nhưng du khách có thể nghỉ chân ở bất cứ thời điểm nào, bởi xung quanh là những tán cây xum xuê xanh mướt mắt và những cơn gió thoảng qua. 

ngàn bậc thang núi Thị Vải
ngàn bậc thang núi Thị Vải

Trung bình một du khách sẽ mất khoảng 1 tiếng 30 phút để đi hết hơn 1000 bậc thang, tùy vào sức khỏe mỗi người; nhưng dọc đường lên núi được thiết kế chỗ nghỉ ngơi nên quý khách có thể từ từ leo núi, vừa có thể ngắm cảnh, vừa rèn luyện nâng cao sức khỏe.

3.2. Thiên nhiên trong lành với hệ thực vật phong phú

Điều đầu tiên khiến du khách thích thú khi đặt chân đến núi Thị Vải đó là không gian thiên nhiên trong lành, xanh mát, không có khói bụi, ồn ào và sẽ khiến du khách sẽ cảm giác như lạc vào một khu rừng cổ tích

thiên nhiên trong lành hệ thực vật phong phú
hệ thực vật phong phú đa dạng

Hai bên đường là những hàng cây xanh rợp bóng mát giúp cho con đường chinh phục đỉnh núi mát mẻ hơn, không sợ nắng nóng. Du khách sẽ chẳng thể biết tên của những cây cổ thụ núi Thị Vải giống như những vị thần đã đứng đó từ bao năm cai quản vùng đất linh thiêng này.

Du khách cũng có thể bắt gặp những cây tre, cây trúc xum xuê xanh tốt dù vào bất kỳ mùa nào. Hay những sắc hoa rừng rực rỡ của bằng lăng, mai lan càng khiến cho bức tranh núi rừng tràn đầy sức sống. Được bước đi trong không gian xanh mát của thiên nhiên hùng vĩ, chắc chắn du khách sẽ quên đi mọi mệt mỏi trên hành trình 3km chinh phục đỉnh núi.

3.3. Chiêm bái ba ngôi chùa đẹp và linh thiêng trên Núi Thị Vải

Một trong các điểm đặc sắc của Núi Thị Vải là sự hiện diện của 3 ngôi chùa cổ có niên đại hơn 100 năm, tên gọi được chia theo vị trí của chùa: chùa Linh Sơn Liên Trì (chùa Hạ), chùa Linh Sơn Hồng Phúc (chùa Trung), và nổi tiếng nhất là Linh Sơn Bửu Thiền (chùa Thượng hoặc chùa Tổ).

Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, cụm chùa ở nơi đây đã chịu nhiều sự tàn phá của chiến tranh. Vào năm 1990, Trụ trì Thích Trí Quảng đã về đây và xây dựng lại các di tích trên núi Thị Vải.

Kể từ năm 2000 đến nay, trụ trì đã lần lượt đại trùng tu các di tích trên ngọn núi này như: Điện Phật Di Lặc, Điện Quan Âm, Điện Tỳ Lô Giá Na, Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni nằm niết bàn,… được chạm khắc trau chuốt và tỉ mỉ để phục vụ nhu cầu của mọi người đến tham quan và chiêm ngưỡng các tác phẩm.

Ngoài ra, du khách còn có thể khám phá thêm những địa điểm nổi tiếng khác như giếng nước ông Hổ, giếng Tiên, Phật môn, hang Gió,…

Chùa Linh Sơn Liên Trì

Ngôi chùa đầu tiên mà du khách bắt gặp ngay những bậc thang đầu tiên từ chân núi đó chính là chùa Liên Trì hay còn được gọi là chùa Hạ. Chùa có vị trí thấp nhất, thường được lựa chọn làm nơi nghỉ chân trước và sau khi leo núi Thị Vải. Nếu muốn thưởng thức cơm chay của nhà chùa, du khách cũng có thể đặt bữa trước tại đây nhen

Chùa Linh Sơn Hồng Phúc

Linh Sơn Hồng Phúc là ngôi chùa cao thứ hai ở núi Thị Vải nên được gọi là chùa Trung, có vị trí nằm giữa 3 ngôi chùa. Đi khoảng 747 bậc thang là du khách sẽ đến được đây.

Chùa Linh Sơn Bửu Thiền

Thời gian đi từ chân núi đến chùa Linh Sơn Bửu Thiền là khoảng 1 tiếng 30 phút. Cứ đi khoảng 300 bậc, du khách sẽ thấy một con số nhỏ màu xanh, chính là số bậc mà du khách đã trải qua. Du khách cũng sẽ bắt gặp những chỗ nghỉ chân cho những người muốn tạm nghỉ hay hóng gió.

Trải qua 1300 bậc thì du khách đã đặt chân đến chùa núi Thị Vãi (Linh Sơn Bửu Thiền) là ngôi chùa cao nhất, đẹp nhất ở núi Thị Vải. Qua khỏi cổng chùa, du khách đi thêm vài trăm bậc thang sẽ thấy kiến trúc ngôi chùa mang phong cách Nhật Bản độc đáo.

chùa Linh Sơn Bửu Thiền
chùa Linh Sơn Bửu Thiền

Đứng từ điện chính nhìn ra du khách có thể thấy cổng chùa nguy nga tráng lệ, chỉ riêng phần cổng được xây 2 tầng với mái ngói đỏ đã tạo nên điểm độc đáo của ngôi chùa. Nhìn xa xa là những ngôi nhà và ruộng đồng nhỏ xíu dưới chân núi. Nếu đến đây vào mùa mưa, lúc sáng sớm, ở cổng chùa sẽ là nơi lý tưởng để bạn săn mây.

Du khách có thể tản bộ quanh chùa, ngắm nghía các hồ cá và tượng la hán. Bên phải chùa Linh Sơn Bửu Thiền là một hồ sen lớn có tượng Phật màu vàng chính giữa hồ. Nếu đến vào mùa mưa, du khách có thể ngắm nhìn hoa sen nở rộ trong hồ vô cùng đẹp. Ở hướng bên phải chùa là tượng Phật nằm.

3.4. Cổng trời núi Thị Vải

Cổng trời núi Thị Vải là một điểm dừng chân lý tưởng trên hành trình chinh phục đỉnh núi. Cổng trời gồm hai tảng đá dựng sát nhau, để lại một lối nhỏ chính giữa. Hai tảng đá rêu phong phủ kín, cộng với tiết trời trên cao và làn sương mờ ảo càng khiến cổng trời thơ mộng như chốn thần tiên.

Nơi đây có rất nhiều địa điểm du lịch, vui chơi giải trí hấp dẫn nhưng những chuyến leo núi, dựng lều giữa núi rừng như thế này vẫn thu hút du khách. Trên hành trình chinh phục đỉnh núi Thị Vải, du khách hãy dừng chân chụp những tấm ảnh lưu lại khoảng khắc đáng nhớ với cổng trời núi Thị Vải này nhen. 

3.5 Trải nghiệm cắm trại trên núi Thị Vải

Nếu quý khách đến núi Thị Vải để tham gia trekking đường núi, thì không nên bỏ qua cảm giác khi cắm trại trên núi, vừa ngắm cảnh đẹp bên dưới với góc nhìn cực rộng, vừa có thể quây quần với gia đình, bạn bè cùng ăn uống, trò chuyện. 

cắm trại núi Thị Vải
cắm trại Núi Thị Vải

Ngay phía sau Cửa Trời có một chòi nhỏ, từ chòi này du khách chỉ cần đi thêm mấy chục mét là sẽ đến được đỉnh núi. Đỉnh núi không có cột mốc rõ ràng, trèo lên tới tận cùng chúng ta sẽ thấy vài tảng đá lớn xếp chồng lên nhau. Các tảng đá này có đặc điểm là khá lớn và bằng phẳng nên thường được lựa chọn làm nơi cắm trại của nhiều du khách. 

Cảm giác ngủ ở một nơi hoang sơ, xung quanh thiên nhiên ngập tràn cây cối, trước mặt là những dãy núi hùng vĩ đan xen cánh đồng ruộng vô cùng bình yên. Buổi sáng thức dậy tận hưởng bầu không khí trong lành cực kì dễ chịu. Nếu quý khách đang tìm cho mình một địa điểm cắm trại qua đêm ở Vũng Tàu thì đừng bỏ qua nơi này nhen 

4. Cách di chuyển đến núi Thị Vải

Từ thành phố Vũng Tàu, du khách đi thêm khoảng 30km theo quốc lộ 51 rồi rẽ vào đường Lê Trọng Tấn, Bà Rịa – Châu Pha, Hắc Dịch – Tóc Tiên là đến. Quý khách có thể search Google Maps để tránh bị lạc đường nhen.

5. Những điểm du lịch nổi tiếng gần Núi Thị Vải – Vũng Tàu 

Chùa Long Sơn Cổ Tự

Linh Sơn Cổ Tự Vũng Tàu còn có tên gọi khác là chùa Phật Vàng (Golden Buddha Statue), tọa lạc tại số 104, đường Hoàng Hoa Thám, Phường 2 ,Thành phố Vũng Tàu, cách Chùa Thị Vải khoảng tầm 8km. Chùa là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Vũng Tàu. 

Chùa được bình chọn nằm trong Top 100 điểm du lịch tâm linh tiêu biểu của Việt Nam và Nhà nước đã công nhận Linh Sơn Cổ Tự là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia.

Đảo Long Sơn:

Long Sơn là một xã đảo trực thuộc thành phố Vũng Tàu, cách Sài Gòn khoảng 100km và nằm cách Núi Thị Vải tầm 25km. Xã đảo Long Sơn được khai phá từ thời vua Minh Mạng nên còn rất nhiều bí ẩn hấp dẫn du khách tìm hiểu, khám phá và đó cũng là lý do mà đảo Long Sơn trở thành địa điểm du lịch Vũng Tàu  thú vị được nhiều người yêu thích.

Long Sơn được ví như “con rồng xanh” của Vũng Tàu nhờ rừng nứa xanh biếc, mênh mông. Thông qua nhiều đợt khai quật của các nhà khảo cổ, đảo Long Sơn được biết đến là một vùng đất ẩn chứa nhiều nét văn hóa, dấu tích lịch sử ngàn năm của mảnh đất Vũng Tàu.

Thiền viện Thường Chiếu

Thường Chiếu là một trong những thiền viện đầu tiên thuộc hệ thống Trúc Lâm thiền viện do hòa thượng Thích Thanh Từ sáng lập, tọa lạc tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, cách Núi Thị Vải tầm 14km. 

Ngày nay thiền viện Thường Chiếu là một điểm tham quan mà du khách thường ghé tới. “Thường Chiếu” là pháp danh một vị thiền sư nổi tiếng đời Lý, thuộc thế hệ thứ 12 của thiền phái Vô Ngôn Thông trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

 Lưu ý

– Du khách cần mặc trang phục lịch sự nếu đi vào viếng chùa.

– Do địa hình đồi núi, rừng hoang sơ, khó tránh khỏi gặp phải côn trùng, du khách cần mang theo thuốc đề phòng.

– Du khách nên chuẩn bị đôi giày thoải mái để leo núi dễ dàng nhen

– Nếu quý khách qua đêm trên chùa, cần lưu ý giữ vệ sinh và không gây ồn ào.

– Nếu quý khách có ý định cắm trại ở đây thì hãy đảm bảo các vật dụng cần thiết cũng như giữ vệ sinh, đảm bảo sự thanh tịnh của chùa.

– Trên dọc đường leo núi quý khách sẽ bắt gặp những chú khỉ, tuy nhiên không nên trêu đùa vì có thể sẽ gây thương thích cho quý khách.

sự tích núi Thị Vải
sự tích núi Thị Vải


Núi Thị Vải Vũng Tàu là điểm đến thú vị với những du khách muốn tìm cho mình một vùng trời bình yên để cảm nhận dư vị cuộc sống sau những ngày miệt mài căng thẳng. Nơi đây chắc chắn là một trong những địa điểm thú vị mà du khách nên đến tham quan trong chuyến du lịch Vũng Tàu sắp tới. Bee Travel kính chúc quý khách có nhiều sức khỏe và một chuyến đi đầy ý nghĩa !🤩