Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long là một ngôi chùa tuyệt đẹp, hấp dẫn nhưng ít người biết đến. Ngôi chùa mang trong mình nét kiến trúc độc đáo, với không gian thanh tịnh, đẹp tựa chốn bồng lai 🥰🥰

1. Chùa Phật Ngọc Xá Lợi ở đâu?

Chùa Phật Ngọc Xá Lợi có một vị trí vô cùng thuận tiện, từ cầu Mỹ Thuận về hướng Cần Thơ tầm 500m, thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long. Đây là một trong những ngôi chùa thiêng liêng và lớn nhất ở vùng đất này. 

Từ thành phố Hồ Chí Minh, quý khách di chuyển theo quốc lộ 1A, đi khoảng 130 km, vừa qua Cầu Mỹ Thuận chúng ta sẽ đến được chùa nhen 😉

2. Ngôi Chùa có từ khi nào?

Chùa Phật Ngọc Xá Lợi được xây dựng từ năm 1970, do cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa trụ trì. Đến tháng 04/1975, vì hoàn cảnh chiến tranh nên việc thi công phải tạm dừng.

Đến tận năm 2015, ngôi chùa mới tiếp tục được xây dựng trở lại, và hoàn thiện thêm nhiều công trình khác nhau để trở thành một trong những trung tâm Phật giáo lớn nhất tỉnh Vĩnh Long.

Đại lễ cầu “Quốc Thái Dân” An tại Chùa

3. Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long có gì đặc biệt? 

3.1.  Kiến trúc nghệ thuật điêu luyện, tinh xảo.

Đến đây, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước không gian rộng lớn cùng lối kiến trúc tuyệt đẹp của ngôi chùa. Khung cảnh bình yên, thanh tịnh, kết hợp với vẻ đẹp cổ kính khiến bất cứ ai khi đặt chân đến đây cũng phải thích thú.

Nhìn từ bên ngoài, hiện ra trước mắt chúng ta là cánh Cổng tam quan to lớn, uy nghiêm bề thế, được chạm trổ công phu tỉ mỉ với một cổng chính và hai cổng phụ. 

Cánh Cổng tam quan

Cổng chính đề tên chùa, hai cổng phụ đề  “Giác ngộ – Giải thoát”; còn nếu nhìn từ trong ra ngoài, du khách sẽ thấy cổng chính đề “Vĩnh Thế Truyền Đăng”, hai cổng phụ đề “Từ bi – Trí tuệ”. 

Đặc biệt hơn là hai cột đá rồng ở Cổng tam quan được đúc bằng đá granite nguyên khối, cao 9 mét, nặng khoảng 20 tấn,…rất hiếm có ở miền Tây.

Qua Cổng tam quan, du khách sẽ được lạc vào một thế giới vô cùng thanh tịnh. Lối dẫn vào chùa là con đường khá rộng rãi, một không gian khoáng đãng sẽ đem lại cho du khách cảm giác yên bình và nhẹ nhõm 🥰

Lối dẫn vào chùa trải dài, rộng lớn và sạch sẽ

   3.2. Chiêm ngưỡng các bức tượng Phật khác nhau.

Bên ngoài Chánh điện

⛩️ Đi hết cổng phụ là một khuôn viên rộng lớn với lối kiến trúc nghệ thuật tinh tế, hài hòa. Cùng hàng trăm tượng Phật từ các vị Tổ Sư đến các vị La Hán được an vị xung quanh khuôn viên.

Tượng Đức Quán Thế Âm Lộ Thiên

Nổi bật giữa chùa là tượng đài Đức Phật Quan Thế Âm Bồ Tát cao 32 mét, với màu xanh chủ đạo, từng đường nét được tạo hình cực kỳ tinh xảo, toát lên vẻ vừa hiền từ, nhân hậu. 

Tượng Phật Bà Quan Âm đứng uy nghiêm trên tòa sen hồng lớn, bệ đỡ tòa sen là 03 cột trụ, với 09 biểu tượng rồng vàng uốn lượn dưới chân được chạm trổ rất đẹp, công phu và vững chắc khiến du khách đều phải trầm trồ khi chiêm ngưỡng tận mắt.

Ba chân trụ làm bệ đỡ vững chắc cho tượng Phật Bà Quan Âm được chạm trổ tinh xảo, đẹp mắt với 9 Rồng vàng uốn lượn xung quanh.

Bên dưới là hồ nước có trồng nhiều hoa sen được lắp hệ thống đèn và đài phun nước, ban đêm nếu lên đèn và phun nước sẽ rất đẹp và tỏa sáng.

⛩️ Đi dần vào khuôn viên bên trong, quảng trường rộng lớn hiện lên vô cùng cao lớn và cực kỳ thoáng đãng. Du khách hoàn toàn có thể cảm nhận được sự thanh tịnh và bình an khi lắng nghe tiếng chuông chùa vang vọng từ tứ phương. 

Điểm nhấn đặc biệt nhất tại ngôi Chùa chính là tòa bảo tháp 9 tầng nổi tiếng cao đến 49m. Tòa bảo tháp sở hữu vẻ đẹp cổ kính, nghiêm nghị và hùng vĩ nhờ thiết kế theo hình lục giác. Mái ngói của tháp được chạm trổ các hoa văn hình rồng tinh xảo, đậm chất văn hóa xưa. 

Mỗi tầng tháp đều có cách bày trí và thờ các tượng Phật khác nhau, có 9 tượng Phật lớn ở 9 tầng tháp đều được làm bằng đồng. 

Riêng ba viên Xá Lợi Phật quý giá được thờ phụng rất cẩn thận ở tầng thứ 9 của bảo tháp, du khách sẽ không được chiêm bái. Tuy nhiên, một năm du khách sẽ được chiêm bái Xá Lợi Phật một lần vào mùng 8 tháng chạp hàng năm. Qúy khách nhớ đến chùa vào dịp này để cầu phúc cho bản thân và gia đình nhen 🥰

Phía trong Chánh điện

Trước cửa Chánh Điện là hai bức tượng Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát được đúc đồng tinh xảo. Cùng với 05 bức tượng đại diện cho 05 tông phái chính của Phật giáo Việt Nam: Hệ Phái Nam Tông, Tông Phái Mật Tông, Tông Phái Tịnh độ, Hệ Phái Khất sĩ, Thiền Phái Trúc Lâm. Mỗi tượng sẽ có cách tạc khác nhau về trang phục, dáng đứng theo đúng ý nghĩa của Tông Phái đó.

Bên trong Chánh điện có rất nhiều cột trụ lớn được chạm trổ, điêu khắc hoa văn rất kỳ công, mỗi cột đều có các câu đối khác nhau trong kinh Phật. Nổi bật nhất là Tượng Phật Ngọc, được tạc bằng đá ngọc bích nguyên khối khai thác tại Canada, cao 1 mét 3, nặng khoảng 1 tấn, màu xanh ngọc mướt mắt. 

 

Hai tượng Phật lớn, nổi bật nhất trong Chánh Điện

Tượng Bổn Sư Thích Ca đặt phía sau Tượng Phật Ngọc là tượng lớn nhất trong Chánh Điện với chiều cao 3,5 mét, nặng khoảng 4,5 tấn, đúc đồng và dác vàng 24k. 

Tượng Phật Ngọc quý hiếm được tạc bằng đá ngọc bích nguyên khối khai thác tại Canada

Có một điều ít ai biết đó là chiếc “ Mỏ gia trì” đặt bên trái Tượng Phật Ngọc, được đúc bằng gỗ mít, có tuổi thọ trên 100 năm, với đường kính 1.2 mét và được cho là lớn nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại. 

Phía mặt sau Chánh Điện còn có Tượng Tổ Sư Đạt Ma, tượng Kim Thân Đức Phật là hai tượng Phật đồng lớn nhất Vĩnh Long, dác vàng 24k. Ngoài ra, xung quanh Chánh Điện còn rất nhiều tượng phật lớn khác nhau được thờ ở những vị trí rất trang nghiêm như: tượng Bồ Tát Địa Tạng Vương và Quan Thế Âm Bồ Tát,…

Đặc biệt là “ 18 vị La Hán”  bằng đồng quý hiếm với giá trị cao chỉ có ở chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long. 

Cả hoa viên trong chùa cũng có thể nhìn thấy những tượng Phật

4. Các địa điểm du lịch gần Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long

Chùa Ông Vĩnh Long

Chùa Ông được nhóm thợ từ Phúc Kiến xây dựng năm 1982, tọa lạc trên đường Nguyễn Chí Thanh, phường 5, TP.Vĩnh Long, cách Chùa Phật Ngọc Xá Lợi tầm 8.5km.

Với lối kiến trúc đậm chất Trung Hoa cùng những góc chụp độc đáo, đã khiến ngôi chùa này trở nên “hot” hơn bao giờ hết. Đặc biệt, các tượng phật trong chùa đa số được làm bằng đồng, gỗ và gốm sứ.

Cù Lao An Bình

Cù Lao An Bình Vĩnh Long nằm giữa sông Tiền và sông Cổ Chiên, thuộc huyện Long Hồ, Vĩnh Long. Cách Chùa Phật Ngọc Xá Lợi tầm 12km.

Đến với An Bình như đến với cuộc sống bình dị, gần gũi với thiên nhiên. Nơi đây không chỉ nổi tiếng bởi những vườn trái cây chuẩn miệt vườn miền Tây, mà còn nổi danh với nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như: nhà cổ Cai Cường, khu du lịch Vinh Sang, chùa Tiên Châu, vườn chôm chôm Chín Hoán…

Công Thần Miếu Vĩnh Long

Công Thần Miếu Vĩnh Long tọa lạc trên đường 14/9, phường 5, Tp. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Cách Chùa Phật Ngọc Xá Lợi khoảng 9km.

Đây là nơi thờ cúng các vị “Nhân thần” có công đi khai hoang, mở cõi và những vị “Nhiên thần” xuất hiện từ huyền thoại của người Việt cổ, được triều đình nhà Nguyễn sắc phong và thờ tự.

Công Thần Miếu Vĩnh Long cũng là nơi lưu giữ được nhiều đạo sắc phong nhất tại Nam Bộ cùng nhiều hiện vật cổ quý giá. Năm 1998, nơi đây được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Văn hóa cấp Quốc gia.

❗❌ Lưu ý khi đến tham quan Chùa Phật Ngọc Xá Lợi 👉👈

Chọn trang phục kín đáo và lịch sự khi viếng chùa.

Không vứt rác bừa bãi làm mất vẻ đẹp của chùa.

Không gây ồn ào, mất trật tự.

Chụp ảnh mang tính nhân văn, không gây phản cảm.

Hạn chế chụp ảnh cùng tượng Phật.

Giờ mở đèn của Bảo Tháp Xá Lợi: thứ bảy và chủ nhật hàng tuần từ 19h – 21h. Nên nếu quý khách muốn ngắm nhìn tòa tháp xá lợi lung linh trong đêm thì hãy đến vào thời gian đó nha😉

Đại lễ cầu Quốc Thái Dân An

Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long mang đến vẻ đẹp vô cùng lộng lẫy khi sở hữu nhiều công trình ấn tượng, cùng với lối kiến trúc đặc trưng của văn hóa Phật giáo Việt Nam. Nơi đây chắc chắn là một trong những địa điểm thú vị mà du khách nên đến tham quan trong chuyến du lịch Vĩnh Long sắp tới. Bee Travel kính chúc quý khách có nhiều sức khỏe và một chuyến đi đầy ý nghĩa !🤩