Chợ nổi Cái Răng Cần Thơ– điểm du lịch độc đáo và đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là chợ tiêu biểu, sầm uất, nổi tiếng nhất cho nét văn hóa sông nước miền Tây. Vậy, để đi chợ nổi thì phải sử dụng phương tiện nào, cách thức di chuyển ra sao, tham quan Chợ Nổi vào thời gian nào là hợp lý?
1. Chợ nổi Cái Răng ở đâu?
Cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6km bằng đường thuỷ khoảng 30 phút đi tàu. Chợ nổi Cái Răng nằm trên nhánh sông Cần Thơ đoạn gần cầu Cái Răng, thành phố Cần Thơ.
Dù ngày nay mạng lưới giao thông đường bộ ngày càng phát triển nhưng chợ nổi Cái Răng vẫn tồn tại như một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người dân nơi đây.
2. Lịch sử hình thành chợ nổi Cái Răng Cần Thơ
Thuở xưa, đường bộ và phương tiện lưu thông đường bộ chưa phát triển như bây giờ, nhu cầu trao đổi hàng hóa ngày một tăng cao không thuận tiện để họp chợ trên cạn, bà con địa phương bắt đầu tụ tập buôn bán trên sông bằng các phương tiện như xuồng, ghe, tắc ráng và chợ nổi Cái Răng cũng được hình thành từ đó.
Nguồn gốc tên chợ nổi Cái Răng theo một số nghiêng cứu là do sự phát âm theo tiếng Khmer là “Karan” có nghĩa là “Cà ràng” (Ông táo) do hồi đó ở vùng (Xà Tón) Tri Tôn An Giang bà con Khmer hay đem đi bán khắp các nơi trong vùng nhiều nhất là ở chợ nổi Cái Răng để buôn bán nhưng phát âm của từ “Karan” khó đọc nên dần dần bà con phát âm thành Cái Răng.
Trước kia, chợ Cái Răng bán chủ yếu là các mặt hàng nông sản và mỗi ghe chỉ chuyên bày bán một loại mặt hàng nhất định. Tuy nhiên, hiện nay chợ đã bán đa dạng hơn như ẩm thực, các món đồ gia dụng và những thứ thiết yếu cho cuộc sống trên sông.
3. Các hoạt động tại chợ nổi Cái Răng
Đến chợ nổi Cái Răng, bạn sẽ hiểu rõ hơn về cuộc sống đặc sắc của người dân lênh đênh vùng sông nước trên những “căn hộ di động” với đầy đủ tivi, bếp nấu, cây cảnh…Những ngôi nhà nổi kết vào nhau, rồi đến cả xưởng gỗ, trạm xăng dầu cũng nằm trên những bè nổi hai bên bờ sóng nước…Cùng hòa mình vào văn hóa buôn bán trên sông lâu đời của cộng đồng người địa phương.
Khung cảnh chợ buôn bán tấp nập trên sông
3.1 Khám phá ẩm thực trên sông.
Nếu du khách đi chợ nổi từ 5, 6h sáng thì 7h sẽ là thời điểm tuyệt vời để bạn thưởng thức bữa sáng khi tới nơi. Bạn đừng nghĩ ở đây chỉ có những mặt hàng nông sản như khoai lang, bí đỏ, khoai mì, khoai môn… hay các loại trái cây tươi mà sẽ là vô vàn những điều thú vị làm bạn bất ngờ.
Để phục vụ cho người dân địa phương cũng như du khách, có rất nhiều chiếc ghe nhỏ len lỏi khắp con sông bán điểm tâm sáng trên ghe như cháo, cơm sườn, hủ tiếu, bún riêu, bún xào… và các loại thức uống như trà, cà phê, dừa dứa, dừa xiêm, sữa đậu nành… Cũng đừng ngạc nhiên khi bạn thấy một quán nhậu ngay trên sông nhé!
Trong vô vàn món ngon được bán tại đây, hủ tiếu và cà phê kho là 2 món đặc sản bạn nhất định phải thử khi đến chợ nổi Cái Răng Cần Thơ. Đây là 2 món đặc sản ngon độc đáo sinh ra từ đặc trưng văn hóa sông nước.
Gọi là hủ tiếu lắc vì mỗi khi ghe thuyền bán hủ tiếu dừng lại, khách mua một tô hủ tiếu ăn ngay ở đấy. Không có bàn ghế như ở trên bờ, món hủ tiếu này ngồi trên thuyền chao đảo, lắc qua lắc lại, người ta gọi là hủ tiếu lắc. Với món đặc sản hủ tiếu lắc, ngày xưa người ta dùng tô sành và đợi khách ăn xong thì nhận tô lại. Ngày nay để tiết kiệm thời gian, nhiều ghe đã dùng tô nhựa để thuận tiện cho việc mang đi.
Còn về món cà phê kho độc đáo thì sự ra đời của nó cũng rất thú vị. Chuyện là khi bán cà phê ở dưới sông, khúc nào gió cũng nhiều, cà phê chế ra rất mau nguội, do đó người ta sẽ có 1 cái bếp (giống 1 cái siêu sắc nước) và đun củi với lửa liu riu để giữ nóng cà phê nên nó có tên gọi như vậy đấy. Cà phê kho cũng là một món quen thuộc của cộng đồng người Hoa nếu bạn từng “lang thang” các quán cafe ở Sài Gòn.
Chỉ cần ghé thăm chợ nổi Cái Răng Cần Thơ một lần thôi, được tận mắt trông thấy cuộc sống sông nước nay đây mai đó của người dân nhưng lúc nào họ cũng vui vẻ, hạnh phúc, chắc chắn sẽ khiến chuyến du lịch Cần Thơ của bạn trở nên thú vị hơn bao giờ hết.
3.2 Phương thức “4 treo” và cây “bẹo” độc đáo tại chợ nổi Cái Răng Cần Thơ
Do không gian chợ nổi rộng, tiếng sóng vỗ, tiếng máy nổ lớn không thể dùng tiếng rao như trên đất liền nên những món đồ bày bán sẽ được chủ ghe treo lên một cây sào – người dân ở đây gọi là cây “bẹo” để người mua có thể dễ dàng nhận ra món đồ mình cần mà tiến lại gần mua.
3.2.1 Tìm hiểu về phương thức “4 treo”
- Treo gì bán nấy: chủ ghe bán cái gì thì treo cái đó lên cây bẹo ( ví dụ muốn bán dưa hấu thì sẽ treo trái dưa hấu lên)
- Treo mà không bán: Đó chính là quần áo của nhiều hộ gia đình sống trên ghe.
- Không treo mà bán: Chỉ những chiếc ghe nhỏ len lỏi phục vụ các mặt hàng cho khách đi chợ như: bún, hủ tiếu, bún riêu, cà phê, bánh mì thịt…
- Treo cái này nhưng bán cái khác: Khi bạn thấy họ treo một tấm lá dừa thì có thể hiểu ngầm là họ bán chiếc ghe của họ (Ngụ ý chiếc ghe như ngôi nhà của họ)
Người dân buôn bán với nhau từ ghe này qua ghe khác bằng cách tung hứng hoặc chuyền tay các món đồ. Hoà mình vào không khí của buổi chợ, bạn có thể tìm hiểu cuộc sống sông nước của người dân, trên những “căn hộ di động” với đầy đủ tivi, bếp nấu, cây cảnh.
3.3 Trải nghiệm làm hủ tiếu
Trải nghiệm thú vị không kém là thăm lò hủ tiếu truyền thống. Lò hủ tiếu Cần Thơ ngày nay còn giới thiệu các loại hủ tiếu độc đáo như hủ tiếu gấc, hủ tiếu lá dứa và đặc biệt là hủ tiếu Pizza. Đến đây, bạn sẽ được tham quan các bước làm hủ tiếu thủ công.
4. Nên đi chợ nổi Cái Răng Cần Thơ vào mùa nào?
Cần Thơ có 2 mùa mưa và mùa nắng rất rõ rệt. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 – tháng 11, mùa nắng từ tháng 12 – tháng 4 năm sau. Bạn có thể đi chợ nổi vào cả 2 mùa, nếu thích ăn trái cây thì nên đi vào mùa nắng (mùa hè) vì đây là mùa hoa quả tại miền Tây tha hồ cho bạn thưởng thức.
4.1 Nên đi chợ nổi Cái Răng Cần Thơ vào thời điểm nào trong ngày?
Khác hoàn toàn với chợ trên đất liền, chợ nổi Cái Răng Cần Thơ và các chợ nổi khác của các tỉnh thành miền Tây đều họp từ rất sớm. Từ 4h – 5h giờ sáng là thời gian thích hợp để đi chợ nổi Cái Răng Cần Thơ.
Lúc này các ghe xuồng đã bắt đầu đua nhau cập chợ. Du khách không những được hòa mình vào không khí sôi nổi, tấp nập kẻ mua người bán mà còn có cơ hội chiêm ngưỡng bức tranh chợ nổi tuyệt đẹp khi bình minh ló rạng.
Thông tin thêm: Trước kia, chợ hoạt động từ 2h -3h sáng, bởi lúc bấy giờ nơi đây còn là chợ bỏ sỉ (như một chợ đầu mối trên đất liền vậy). Đây là thời điểm các thương hồ đi lấy hàng về bán ở những nơi khác nên thường phải đi sớm. Về sau, các hoạt động du lịch tại Cái Răng diễn ra nhiều hơn nên chợ bắt đầu sinh hoạt với khung giờ từ 5h – 9h để phục vụ du khách.
4.2 Giá vé tàu tham quan chợ nổi Cái Răng Cần Thơ
Có hai hình thức thuê tàu/ghe phổ biến nhất ở đây là:
- Đi ghép với đoàn khác trên tàu/xà lan
- Thuê tàu/ghe riêng: tàu/ghe riêng nếu bạn đi theo nhóm; ghe/thuyền nhỏ nếu bạn đi 1 – 3 người.
Tuy nhiên, bạn cũng có thể đi túc bằng cách thuê tàu ngay bến Ninh Kiều. Thuê tàu riêng nếu nhóm của bạn đi đông để không phải phụ thuộc những người khác và có thể dừng lại ở mỗi điểm tùy thích. Nếu đi 1 mình bạn có thể ghép đoàn với mức giá từ 30.000 – 40.000 đồng (tùy số lượng người trên thuyền).
Mức giá thuê tàu thuyền tham khảo:
- Từ 1 – 7 khách đi: 600.000đ/tàu
- Từ 8 – 15 khách đi: 750.000đ/tàu
- Từ 16 – 30 khách đi: 850.000đ/tàu
- Từ 31 – 40 khách đi: 950.000đ/tàu
- Từ 40 khách đi trở lên: 1.050.000đ/tàu
Đây chỉ là mức giá tham khảo, có thể thay đổi tùy theo mùa du lịch và khả năng mặc cả của bạn.
5. Các điểm tham quan gần chợ nổi Cái Răng.
Nên kết hợp tham quan chợ nổi Cái Răng với các điểm du lịch nổi tiếng quanh đó như:
- Chợ đêm Tây Đô: gây ấn tượng với du khách bởi nét đẹp cổ kính kết hợp với hiện đại, mang đặc trưng riêng của miền Tây sông nước. Nếu có dự định khám phá Cần Thơ, đây chắc chắn là địa điểm mà bạn không thể bỏ qua bên cạnh các biểu tượng khác như bến Ninh Kiều hay chợ nổi Cái Răng.
- Khu du lịch Mỹ Khánh: Công viên cảnh quan có các khu vườn đầy màu sắc, thác nước nhân tạo, nhà hàng, các trò chơi & cuộc đua chó và lợn.
- Thiền viện trúc lâm Phương Nam: du khách không những được vãng cảnh, cầu an mà còn được tận mắt khám phá những công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo “có một không hai”.
- Lò bánh hỏi Út Dzách: mệnh danh là lò bánh hỏi gia truyền “đệ nhất Tây Đô”. Tại đây du khách còn được trải nghiệm tự tay làm ra những miếng bánh hỏi đặc biệt.
Đây đều là những điểm tham quanh gần với chợ nên sẽ thuận tiện cho du khách muốn tìm hiểu về thành phố Cần Thơ.
6. Bỏ túi những lưu ý khi đi chợ nổi Cái Răng Cần Thơ
Để chuyến du lịch chợ nổi được trọn vẹn nhất, bạn hãy note lại những lưu ý hữu ích sau nhé!
- Khi thuê tàu đi chợ nổi, bạn nên tìm hiểu rõ thông tin chính xác của người cho thuê tàu, phải thương lượng về giá cả và thống nhất thời gian, các điểm tham quan.
- Mặc áo phao đầy đủ khi di chuyển trên tàu
- Không nên hỏi giá quá nhiều mà lại không mua, nhất là với các tàu thuyền bán trái cây, nông sản…
- Du khách có thể thoải mái thử trước trái cây ở đây mà không bắt buộc phải mua vì người miềnTây rất dễ tính và gần gũi.
Vậy là Bee Travel vừa chia sẻ đến các bạn toàn bộ kinh nghiệm đi Chợ Nổi Cái Răng Cần Thơ, hi vọng với những review chi tiết và hữu ích trên sẽ giúp bạn có chuyến vi vu khám phá cũng như thành phố Cần Thơ an toàn, vui vẻ với những trải nghiệm thú vị.
Tiền hoa hồng (%)