Rất nhiều khách bị lừa mua vé máy bay giá rẻ trên face, số tiền từ vài triệu đến vài chục triệu, thậm chí trăm triệu, vậy chiêu lừa là gì? Hãy đọc kỹ bài viết dưới đây.
1. Hậu quả của bị lừa đảo vé máy bay
Hậu quả của bị lừa vé máy bay thì ai cũng biết, thực tế, hậu quả nó rất nặng nề. Tiền mất tật mang là thế. Đương nhiên đã đi lừa, ít khi nào tụi lừa lại chỉ lừa vài trăm nghìn, con số thông thường cho chuyến khứ hồi cả gia đình ít nhất cũng 5-7 triệu, nhiều thì vài chục triệu, bay nước ngoài có khi đến cả trăm.
Cái hậu quả có khi còn kinh khủng hơn số tiền trên là ra sân bay, trong niềm hớn hở sẽ về quê ăn Tết, sẽ đến điểm du lịch tuyệt vời, thế nhưng …vé không bay được. Lúc đó nếu cao điểm có thể không có vé để mua tại sân bay. May mắn hơn, hãng còn vé thì nó cao ngất trời.
Đương nhiên dù là trường hợp nào thì cũng ôm cục tức to hơn chiếc máy bay, bao niềm vui biến mất, chưa kể lỡ công việc, thậm chí còn bị chê bai vì mua vé bị lừa. Thực sự, vừa tức, vừa “quê”.
2. Thế nào về vé máy bay giá rẻ?
Nói trắng ra cho nhanh: KHÔNG có cái gọi là vé máy bay giá rẻ, càng không có siêu rẻ.
Đối với vé máy bay đặt lẻ theo nhóm, giá vé hầu như không chênh lệch nhiều, không rẻ hơn bao nhiêu cả. Do đó nếu ai đó bán giá rẻ hơn rất nhiều so với vé hãng và yêu cầu thanh toán trong tích tắc thì tỉ lệ lừa đảo cao.
Giá vé ngày thường hiện nay đầy đủ thuế phí (năm 2023) thấp nhất hầu như không có giá dưới 580.000 đồng. Do đó, nếu ai đó bán vé thấp hơn thì phải cẩn thận.
Giá vé dịp Tết âm lịch sẽ không dưới 2,3 triệu đối với các ngày cao điểm (25 tháng chạp – Tết, qua Tết đến 11 âm lịch nếu bay đúng chiều cao điểm). Nếu ai đó bán rẻ hơn thì phải nghi ngờ ngay. Đương nhiên tụi lừa đảo cũng có thể bán giá cao hơn, để hạn chế bị nghi ngờ, nhưng chúng ít khi làm vậy, vì “khách hàng mục tiêu” của chúng là những người ham rẻ.
Tóm lại giá rẻ thì chỉ rẻ hơn chừng 20-30 nghìn đồng so với giá hãng thôi. Đó là giá của mấy ông siêu to, bán vé bằng công nghệ (không cần nhân viên) như traveloka chẳng hạn, còn lại đa số (bán vé thủ công có nhân viên tư vấn) đều bán cao hơn giá hãng cả.
Cá biệt dịp Tết, cao điểm có 1 số công ty mua vé nguyên chuyến hoặc chạy seri sau đó bán lại, nhưng giá vé cũng không thấp hơn vé hãng bao nhiêu cả. Chả ai bỏ vốn lớn ra mà bán lỗ/hòa vốn bao giờ.
Tóm lại, không có cái gọi là vé máy bay siêu rẻ, siêu tiết kiệm gì đâu, chỉ có siêu lừa, lừa siêu hạng mà thôi.
3. Lúc nào dễ bị lừa vé máy bay nhất?
Lúc vé càng khan hiếm, giá vé càng cao tỉ lệ lừa càng cao. Đó là lúc khách hàng muốn tìm giá rẻ, để tiết kiệm chi phí. Tết âm lịch, lễ 30/4 là thời điểm dễ bị lừa nhất, đương nhiên là tụi lừa vẫn “làm ăn” cả năm, không nghỉ ngày nào, nhiệt tình đến tận đêm khuya, nên gặp chúng thì coi như xong.
Xung quanh chúng ta có rất nhiều người bán vé máy bay, nhưng người quen nên ngại hỏi, vì biết giá cao hơn, hỏi không mua lại ngại. Thế là chọn người lạ, tha hồ dò giá và trả giá. Ưng thì mua, không ưng thì thôi, chả sao. Và nguy cơ từ đây mà ra. Đương nhiên chỉ là nguy cơ thôi, chứ rất nhiều người lạ vẫn làm ăn đàng hoàng.
4. Làm thế nào để nhận biết kẻ lừa đảo bán vé máy bay?
Câu trả lời là rất khó nhận dạng kẻ lừa đảo cho đến khi bị lừa. Thậm chí kẻ lừa đảo còn tỏ ra cực kỳ uy tín, uy tín hơn cả người uy tín luôn đó chứ.
5. Đề phòng lừa đảo vé máy bay thế nào?
Bài viết này chỉ nói về mua vé máy bay thủ công, cần nhân viên tư vấn, không tính các trường hợp tự book vé online trên mạng.
Thứ nhất, mua vé máy bay từ người quen
Mua từ người quen, quen ngoài đời càng tốt, biết địa chỉ, gia đình càng tốt hơn nữa. Họ tư vấn kỹ lưỡng, vì là người quen nên họ cũng đâu bán lời nhiều. Thứ nữa là mình ủng hộ, họ cũng vui.
Thứ 2, mua ở công ty du lịch.
Đối với họ, vé máy bay chỉ là mảng phụ, hỗ trợ khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm nhằm hướng đến bán tour du lịch. Ở đó, họ tinh thần phục vụ họ cao, uy tín được đặt hàng đầu. Với tư cách công ty, không ai đi lừa cái vé máy bay vài triệu đến vài chục triệu cả. Danh dự doanh nghiệp không rẻ đến vậy.
Thứ 3, mua vé từ người lạ trên facebook
Nếu người lạ, khách cần xem tính xác thực của tài khoản facebook, bao gồm các thông tin:
- Các hoạt động trên trang của họ có đa dạng không, có tư vấn không hay chỉ tập trung bán vé. Hãy cẩn thận với các trang chỉ tập trung bán “vé 0 đồng”, vé khuyến mãi dưới 500. Nhớ là cẩn thận thôi nhen, chứ không thể “vơ đũa cả nắm” được.
- Trang được lập bao lâu rồi, có bao nhiêu người theo dõi/thích. Nếu mới lập mà lượt theo dõi hàng chục nghìn thì nghi ngờ ngay luôn nhen, có khi họ chạy quảng cáo đó.
- Nếu là face cá nhân thì xem profile có thật hay không, trên tường có ảnh gia đình, bạn bè, bài viết có bình luận nhiều không, công việc có rõ ràng không. Vẫn có vài thành phần mua nick nên nhìn trang cá nhân cực uy tín, nhưng vẫn lừa. Siêu lắm! Xin hãy cẩn thận với các nick có avatar siêu đẹp, siêu xinh, nhìn sang chảnh và cực kỳ chuyên nghiệp. Đó có thể chuyên vé máy bay và cũng có thể chuyên lừa đảo vé máy bay đấy.
- Hãy cẩn thận với những màn hình chụp giao dịch bán vé, cái đó nhìn uy tín thật, nhưng có thể giả được. Các khách hàng chốt đơn, ib trên bài viết cũng có thể là nick ảo nữa.
Cơ bản thì đối với cá nhân bán vé trên facebook, cần check kỹ. Tốt nhất là họ thuộc công ty nào, phòng vé nào uy tín. Cũng lưu ý luôn là có trường hợp đối tượng giả mạo đơn vị uy tín để lừa đảo.
Nếu là nhân viên của công ty bán vé thì số tài khoản nhận chuyển khoản phải là tên Giám đốc, người đại diện pháp luật hoặc Tài khoản công ty (nếu xuất VAT). Tên tài khoản là cá nhân nhân viên bán vé thì chính anh/chị ta chịu trách nhiệm về việc xuất vé đó, khách hàng có đến công ty kiện cũng rất khó để được giải quyết.
Lúc này là mối quan hệ cá nhân giữa người mua và người bán, chỉ dừng lại ở đó. Nếu họ lừa, thì họ cao chạy xa bay, lên mạng phốt thì họ đi lập nick khác lừa tiếp. Nghề nào nghiệp đó mà, sao bỏ được “miếng cơm manh áo”.
6. Mua vé máy bay giá rẻ thế nào?
1. Tự mua vé máy bay online
Nếu khách thực sự hiểu về điều kiện vé, các thủ tục hoàn hủy, check in online, hành lý … của các hãng thì có thể đặt vé online qua các trang bán vé điện tử, hoặc trang chính thức của hãng hàng không.
Lưu ý có website giả mạo hãng nhìn rất giống website hãng cả về tên miền và giao diện, nên hãy cẩn thận để tránh nhầm lẫn. Họ chỉ cần thêm hoặc thay 1 chữ cái vào là ra website khác mà người bình thường rất khó nhận ra.
Dưới đây là website chính thức các hãng nội địa Việt Nam, dùng để check giá vé, mua vé, check vé đã mua, check Tình trạng chuyến bay, check in online và các thông tin khác.
Vietnamairlines: http://vietnamairlines.com
Bamboo Airways: http://bambooairlines.com
Vietravel Airlines: http://vietravelairlines.com
Vietjet Air: http://vietjetair.com
2. Tự săn vé máy bay giá rẻ từ trang bán vé điện tử
Cũng tại website các trang bán vé trên, khách hàng có thể săn vé giá rẻ bằng cách thường xuyên xem giá vé, lúc nào rẻ chốt luôn. Điều này chỉ áp dụng được với thời điểm bay còn xa (không rơi vào cao điểm lễ tết hè), cách khoảng 1 – 3 tháng.
Thực tế giá vé máy bay hiện nay trong khoảng 1-3 tháng trước thời điểm khởi hành ít khi (không phải không có) giảm, chỉ có tăng vì đặc điểm vé theo bậc (càng mua nhiều càng tăng, số vé còn lại càng ít thì giá vé càng cao, vé mua trước có giá rẻ nhất).
3. Vẫn mua người quen hoặc công ty uy tín
Ở đây giá rẻ được hiểu là chi phí thấp nhất. Quý khách nên tính luôn cả chi phí an toàn, chi phí xử lý sự cố hoàn hủy, đổi vé (nếu có), check in online, mua thêm hành lý.… Nghĩa là mua vé máy bay thì tính luôn sự thuận tiện và an tâm.
Xét về thuận tiện, nếu chuyến đi công tác, du lịch vào ngày thường, mua vé đâu cũng được, rẻ hơn tí cũng được (với điều kiện là mình quen sử dụng công nghệ để tự làm mọi thứ), không phải nhắn tin tới lui (vì mình biết hết rồi) thì mua online vậy.
Thế nhưng dịp lễ tết, cao điểm, vẫn cần mua đại lý để được tư vấn kỹ lưỡng những vấn đề thuộc kinh nghiệm thực tế về giá vé tăng giảm, khi nào hãng mở thêm chuyến bay mới. ….
7. Một vài kinh nghiệm nhỏ giành cho khách tự book vé máy bay online
Dưới đây là 1 ví dụ về kinh nghiệm mua vé máy bay, nếu khách đã hiểu thì an tâm tự mua online luôn:
- Ngày cuối tuần mùa hè, không nên bay Vietjet về buổi chiều tối, xác suất delay cực cao.
- Bay Vietjet chuyến sớm nhất trong ngày thì tỉ lệ delay cực thấp. Chọn chuyến này giá rẻ.
- Mua vé Vietjet, ở một số chuyến bay nếu có hành lý ký gửi thì nâng hạng từ Eco lên Deluxe khi xuất vé thì tốn thêm khoảng 100k với hành lý ký gửi 20kg, trong khi nếu mua riêng thì tận gần 200k cho kiện 20kg.
- Vietjet không hoàn hủy nhưng có thể bảo lưu (tốn phí) đúng tên khách cho các lần bay sau.
- Mùa hè, chuyến bay đến sân bay Tân Sơn Nhất/Hà Nội chiều đến tối chủ nhật thì tỉ lệ kẹt không lưu cực cao (máy bay kẹt – không hạ cánh được) bất kể hãng nào.
- Dịch vụ hãng Bamboo là rất tốt, nhân viên lịch sự bậc nhất.
- Giá vé trẻ em 2-12 tuổi của Bamboo là tốt nhất trong các hãng nội địa
- Dịp Tết nên chọn các chuyến bay sáng sớm, càng sớm càng tốt để hạn chế đông đúc và delay.
- Đi Côn Đảo, mua vé máy bay Bamboo thì chỗ ngồi sẽ rộng hơn rất nhiều máy bay ATR-72 của Vietnam airlines (hãng VASCO – công ty con của Vietnam airlines). Kinh nghiệm mua vé máy bay Côn Đảo xem ở bài viết này: https://btravel.vn/bo-tui-bi-kip-mua-ve-may-bay-con-dao-gia-re-nam-2022/
- Vietnamairlines vẫn có vé không hoàn – không hủy – không hành lý ký gửi (giá rẻ nhất, thường là dưới 1 triệu vào ngày thường).
Nếu biết được 5/10 điều trên đây chứng tỏ quý khách đã rất giỏi về vé máy bay, có thể tự tin book vé và xử lý được vé của mình mà không cần qua đại lý rồi đấy.
Thực tế điều kiện vé rất phức tạp, cực nhiều điều khoản, như giấy tờ tùy thân, hành lý mang theo, hoàn hủy đổi bảo lưu, phụ nữ mang thai, em bé, trẻ em, check in và gỡ check in online, vân vân và vân vân …. nên khi đi đoàn đông, dịp cao điểm thì cần đại lý hỗ trợ book vé và xử lý vấn đề phát sinh (có thể sẽ xảy ra).
Bài viết trên là các nguy cơ bị lừa đảo vé máy bay từ facebook và các cách làm để đặt vé máy bay giá rẻ và an toàn. Nếu có bất cứ thức mắc nào, hãy nhắn tin đội ngũ Bee Travel để được tư vấn nhanh nhất.
Tiền hoa hồng (%)