Rừng tràm Trà Sư là điểm tham quan vô cùng nổi tiếng ở vùng đất An Giang. Du khách tới đây tham quan sẽ được chiêm ngưỡng trước rừng tràm mênh mông, và có cơ hội khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn đặc trưng với nhiều loài động thực vật đa dạng quý hiếm.
1. Rừng tràm Trà Sư ở đâu ?
Tọa lạc tại xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, cách thành phố Long Xuyên gần 100km, rừng tràm Trà Sư như một viên ngọc xanh bừng sáng giữa cánh đồng bát ngát của vùng Tứ Giác Long Xuyên rộng lớn, bên cạnh dãy Thất Sơn hùng vĩ với nhiều ngọn núi cao, nơi gắn liền với những câu chuyện huyền tích thú vị còn lưu truyền đến tận ngày nay.
Nằm cách thành phố Châu Đốc khoảng 30km, du khách đi theo tuyến đường Tân Lộ Kiều Lương nối tiếp với Quốc lộ 91. Khi đi qua Cầu Trà Sư của thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên thì rẽ trái theo kênh Trà Sư thêm vài km nữa là tới Rừng tràm Trà Sư nhen🤩
2. Khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư được hình thành từ khi nào?
Trước thập niên 80 của thế kỷ trước, khu vực này là một vùng trũng hoang hóa, đất đai bị nhiễm phèn nặng nên gần như bị xem là đất chết, không thể trồng lúa hay bất cứ loại hoa màu nào khác.
Đến 1983, chính quyền địa phương đã tổ chức cho tiến hành trồng thử nghiệm cây tràm với mục đích là để ngăn bớt sự hung hãn của con lũ đầu nguồn, cũng như góp phần cải tạo đất đai nhằm hồi sinh vùng đất này.
Vào năm 2003, xét thấy khu rừng phát triển nhanh và đã hình thành nên hệ sinh thái đặc trưng, nên chính quyền địa phương đã đề xuất lên Trung ương và biến nơi này trở thành khu Bảo tồn thiên nhiên để phục vụ công tác nghiên cứu. Cũng từ đó, Rừng Tràm Trà Sư trở thành điểm tham quan thu hút khá nhiều khách du lịch.
Tên gọi Trà Sư có người cho rằng nghĩa là là “ông thầy tu”. Trong đó “Trà” là biến âm của “tà” – trong tiếng Khmer có nghĩa là ông; còn “Sư” được hiểu theo nghĩa Hán Việt là ông thầy tu. Thậm chí có ý kiến cho rằng “Trà Sư” có ý nghĩa là một ông sư (thầy chùa) tên Trà.
3. Đến rừng tràm Trà Sư tham quan những gì ?
Rừng tràm Trà Sư là “rừng tràm đẹp và nổi tiếng nhất Việt Nam” – đây là danh hiệu mà Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công nhận vào đầu năm 2020. Nhiều du khách đã trầm trồ rằng hầu như góc ngách nào cũng có thể là nơi để “sống ảo”, có lẽ vì thế mà hàng năm nơi đây đón hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan.
Khi bước chân tới khu rừng tràm, quý khách sẽ choáng ngợp bởi khung cảnh thiên nhiên được bao trùm bởi chiếc áo màu xanh tràn đầy sức sống của rừng tràm, tạo nên một không gian mát mẻ, dễ chịu. Bến thuyền với background tổ chim bồ câu được thiết kế độc đáo, là nơi lý tưởng cho quý khách chụp ảnh sống ảo.
Trên đường tham quan, du khách có thể thấy người dân địa phương thu hoạch mật ong hoa tràm từ các thùng nuôi đặt trong rừng. Loại mật này có giá từ 300.000 đến hơn một triệu đồng mỗi lít tuỳ chất lượng.
Đến vùng lõi, quý khách có thể thấy dưới nước là một lớp bèo xanh phủ kín bề mặt, chúng ta có thể chạm tay vào đó và ngắm nhìn những bông hoa điên điển vàng rực, cùng dãy tràm xanh mướt tạo nên một bức tranh thiên nhiên sông nước tuyệt đẹp.
Rừng tràm Trà Sư có hệ sinh thái động thực vật phong phú, tiêu biểu cho một khu rừng ngập nước của miền Tây Nam bộ. Tràm là loại cây chiếm số lượng nhiều nhất ở đây, mùi hương hoa tràm sẽ giúp du khách có cảm giác sảng khoái đầu óc quên đi những lo toan của cuộc sống hàng ngày.
Đi sâu vào bên trong khu rừng tràm Trà Sư quý khách sẽ được tận mắt nhìn thấy rất nhiều loài chim quý hiếm trú ngụ. Với bầu không khí trong lành tràn ngập tiếng chim kêu, Trà Sư thích hợp với du khách muốn trốn khỏi thành phố ồn ào, bụi bặm để tìm về với thiên nhiên, đem đến cho du khách một chuyến du lịch An Giang nhiều trải nghiệm và thú vị.
Khi đã khám phá xong bên trong khu rừng, quý khách đừng quên ghé qua Vọng gác để chiêm ngưỡng toàn bộ rừng tràm rộng bao la bằng kính viễn vọng.Từ đây du khách có thể nhìn thấy thấp thoáng những ngôi làng của đồng bào Khmer và Kinh sinh sống. Khung cảnh bao la, xanh ngút ngàn của rừng tràm, cuối trời là cánh đồng lúa mênh mông của Tứ Giác Long Xuyên, một góc khác là dãy Thất Sơn huyền bí với ngọn Thiên Cấm Sơn hùng vĩ.
Ở đây có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ đặc sắc như dệt lụa, thổ cẩm của người dân tộc Khmer, nuôi ong lấy mật, khu tinh dầu tràm…
Ngoài ra, du khách cũng có thể thuê xe đạp để lượn vài vòng tham quan và săn ảnh với các loài động vật trên cánh rừng ngập mặn Trà Sư. Chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều chim đi kiếm ăn, làm tổ và nghe tiếng kêu của chúng trong suốt hành trình khám phá. Thỉnh thoảng lại có một cây cầu khỉ bắc ngang kênh nước nối hai vạt rừng.
Cây cầu tình yêu dài hàng trăm mét len lỏi giữa khu rừng tĩnh lặng, xanh ngát đang là điểm nhấn hấp dẫn của rừng tràm Trà Sư. Đây sẽ là nơi lãng mạn để lưu lại những khoảnh khắc, những kỹ niệm đẹp của bất kỳ đôi lứa yêu nhau.
Bên cạnh vẻ đẹp tự nhiên, rừng Tràm Trà Sư còn có những công trình nhân tạo tuyệt đẹp. Tập hợp tất cả các loại tre Việt Nam ở mọi miền đất nước, nhà đầu tư quyết tâm xây dựng công trình đạt kỷ lục Guiness “cầu tre vạn bước” xuyên rừng tràm Trà Sư để phục vụ du khách.
4. Những điểm du lịch nổi tiếng gần rừng tràm Trà Sư
Núi Trà Sư
Núi Trà Sư (thuộc khóm Trà Sư, thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) có tên chữ là Kỳ Lân Sơn, cách rừng tràm Trà Sư tầm 12km. Núi tuy chỉ cao 146 mét nhưng có nhiều chùa chiền, am, miếu, đồng thời cũng là nơi thường diễn ra những sinh hoạt tâm linh huyền bí. Lúc nào núi Trà Sư cũng có đông đảo khách thập phương thượng sơn cúng bái.
Khu du lịch Lâm Viên Núi Cấm
Mảnh đất An Giang nổi tiếng bởi cảnh quan thiên nhiên nhuốm màu sắc huyền bí, trong đó phải kể đến vùng Bảy Núi hay Thất Sơn. Nổi bật trong dãy Thất Sơn là ngọn núi Cấm cao khoảng 710m so với mực nước biển trung bình, cách rừng tràm Trà Sư tầm 14km. Núi Cấm còn gọi là Thiên Cấm Sơn, nằm ngay trung tâm của vùng Bảy núi chính vì thế núi Cấm có vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ.
Núi Dài Năm Giếng
Núi Dài Năm Giếng ( Ngũ Hồ Sơn), còn được gọi là Núi Dài Nhỏ, thuộc thị trấn Nhà Bàng, xã An Phú – Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Nằm cách rừng tràm Trà Sư tầm 12km.
Sở dĩ có tên Núi Dài Năm Giếng vì trên núi có năm nơi mặt đất trũng sâu như giếng nước. Núi tuy hiểm trở nhưng có nhiều cảnh đẹp, nhiều vườn cây trĩu trái quanh năm, như: ổi, xoài, bưởi, mận, sầu riêng, thanh long …Ngoài ra, nơi đây còn có nguồn tài nguyên là đá xây dựng thuộc nhóm sáng màu mịn hạt và đá ốp lát dùng để trang trí…
✅Lưu ý khi tham quan rừng tràm Trà Sư
👉 Rừng tràm Trà Sư mở cửa tham quan từ 07h sáng đến 17h chiều. Tuy nhiên du khách tham quan buổi chiều thì nên đến đây trước 16h để kịp tham quan hết cả điểm trong khu du lịch, vì nếu đi trễ nhất là mùa mưa thì tối ập đến rất nhanh sẽ hạn chế tầm nhìn để quan sát.
👉 Các hạng mục tham quan chủ yếu ngoài trời, mặc dù có rừng tràm nhưng vẫn bị mưa nắng, du khách cần chuẩn bị nón, dù, trang phục năng động, nước uống cho hành trình tham quan của mình.
👉 Khi đi bộ trên cầu tre không nên chen lấn, xô đẩy và nhún nhảy.
👉 Việc lên xuống bến tàu thường phải khom, cúi, leo…nên để ý các vật dụng để ở túi áo hoặc túi quần nông, rất dễ rơi xuống nước.
👉 Tuân thủ quy định của khu du lịch, của các nhân viên, hướng dẫn viên.
👉 Không đốt lửa trong rừng, không xả rác. Có ý thức bảo vệ môi trường.
Đối với những ai yêu thích vẻ đẹp của thiên nhiên hoang dã thì rừng tràm Trà Sư sẽ là sự lựa chọn lý tưởng trong chuyến du lịch An Giang sắp tới. Rời xa phố thị đông đúc, du khách hãy tìm đến rừng tràm Trà Sư để thỏa sức đắm mình vào thiên nhiên xanh mát và “check-in” những bộ ảnh tuyệt đẹp. Bee Travel kính chúc quý khách có nhiều sức khỏe và một chuyến đi đầy ý nghĩa !🤩
Tiền hoa hồng (%)