Vùng đất Tiền Giang vốn nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp mang đậm bản sắc vùng sông nước miệt vườn miền Tây Nam bộ. Đặc biệt có một công trình phật giáo nổi tiếng mà du khách không nên bỏ qua đó chính là chùa Vĩnh Trang – Một ngôi chùa độc đáo có nét giao thoa văn hóa phương Đông và phương Tây cùng hội tụ.

Lịch sử Chùa Vĩnh Tràng

Ngôi chùa được xây dựng vào thế kỉ 19 bởi vợ chồng ông Bùi Công Đạt – một vị quan dưới triều vua Minh Mạng (1820 – 1840). Năm 1894, Hòa thượng Thích Huệ Đăng ở chùa Giác Lâm (Gia Định) về trụ trì đã tổ chức xây dựng thành ngôi đại tự và đặt tên là chùa Vĩnh Trường với ngụ ý ước cho chùa được “Vĩnh cửu đối sơn hà, trường tồn tề thiên địa”. Cũng vì ý nghĩa đó ngôi chùa được người dân địa phương yêu quý gọi là chùa Vĩnh Tràng.

Năm 1907, Hòa thượng Chánh Hậu đã cho trùng kiến ngôi chùa, pha hòa cả nét kiến trúc Á – Âu.

Năm 1984, chùa Vĩnh Tràng đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp Quốc gia.

Toàn cảnh chùa Vĩnh Tràng khi nhìn từ trên cao

Kiến trúc chùa Vĩnh Tràng

Chùa được xây cất do công trình kiến trúc của nhiều người, trong nhiều năm, là một chùa lớn, được kiến trúc khá tinh vi, đa dạng theo lối kiến trúc tổng hợp Á – Âu (Pháp, La Mã, Thái, Miên, Chàm). Tuy nhiên, chùa vẫn mang đậm nét lối kiến trúc điêu khắc truyền thống Việt Nam.

Chùa được xây dựng theo hình dáng chữ Quốc của Hán Tự gồm 4 gian nối tiếp nhau là Tiền đường, Chánh điện, nhà Tổ và nhà Hậu. Các gian nhà được xây dựng bằng xi măng và gỗ quý, nền đúc cao và rất vững chắc.

Phía trong gian chính điện và nhà tổ làm theo kiểu Trung Quốc nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc Việt Nam, nối hai gian này là một khoảng nhỏ có hòn non bộ ở giữa, hòn non bộ này phác họa lại cảnh thiên nhiên sinh động mang bản sắc Việt Nam. Đứng trên hòn non bộ nhìn về mặt sau gian chánh điện, hai bên nhà cầu, mặt trước nhà tổ, ta sẽ thấy lối kiến trúc Rô-ma với những hàng đá hoa màu của Pháp được trang trí trên thành nóc, trên những cột xây bằng xi măng kiểu cách.

Khuôn viên bên ngoài chùa Vĩnh Tràng

Ngoài ra chùa hiện còn sở hữu hơn 20 bức tranh sơn thủy có giá trị. Tuy ảnh hưởng tranh vẽ Trung Quốc nhưng những bức vẽ đều mang đậm nét dân gian Việt Nam, in hình “Mai, lan, cúc, trúc” và phong cảnh Việt Nam. 

Những tượng phật khổng lồ ở chùa Vĩnh Tràng

Chùa Vĩnh Tràng có khoảng 60 tượng Phật đúc bằng nhiều loại vật liệu khác nhau: gỗ, xi măng, đồng, đất nung và được sơn son thếp vàng toàn bộ. Tất cả đều có niên đại từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Trong chùa còn có 3 pho tượng Phật lớn: Di đà cao 98cm; Quan Âm và Thế Chí cao 93cm và một chiếc chuông đồng lớn được gọi là Pháp Bảo Chuông cao 1,2m, nặng khoảng 150kg trên thân có khắc chữ “Vĩnh Trường Tự” được đúc vào khoảng giữa thế kỷ 19.

Tượng Phật Di Lặc: Pho tượng có chiều dài 27m, chiều rộng 18m, cao 20m và nặng khoảng 250.000kg bằng chất liệu bê tông, cốt thép. Bên trong tượng phật còn được tận dụng để thiết kế cơ quan làm việc của Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh Tiền Giang. Gồm có giảng đường và nơi nghỉ phục vụ cho 200 người.

Tượng Phật Di Lặc của chùa Vĩnh Tràng

Pho tượng Phật A Di Đà có chiều cao tính từ chân đến đỉnh cao 18m, bệ cao 7m, nặng 150 tấn.

Tượng Phật A Di Đà

Nơi đây còn 1 tượng Phật Thích Ca tư thế nằm hay bị hiểu lầm là Phật A Di Đà. Thật ra hai vị Phật này khác nhau hoàn toàn. Tượng Phật Thích Ca với đế dài 35m; đế cao 7m, ngang 18m. Đức Phật được xây dựng có chiều dài 32m, cao 10m, nặng 250 tấn bằng chất liệu bê tông, cốt thép.

Tượng Đức Phật Thích Ca nhập niết bàn

Bên cạnh những tượng Phật khổng lồ, uy nghiêm; chùa Vĩnh Tràng còn có một tòa lầu tháp nằm ở phía sau. Tòa tháp này cao 7 tầng và là nơi lưu giữ tro cốt của các Phật tử và chư tăng trong chùa.

Tòa bảo tháp cao 7 tầng bên cạnh Tượng Đức Phật Thích Ca nhập niết bàn

Cách di chuyển đến chùa Vĩnh Tràng

Chùa Vĩnh Tràng nằm ngay tại con đường Nguyễn Trung Trực, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. 

Bắt đầu từ TP. Hồ Chí Minh đi theo hướng quốc lộ 1A đến trung tâm Thành phố Mỹ Tho. Sau đó, đi theo hướng tỉnh lộ 879 khoảng 3km đến công viên Vĩnh Tràng, rẽ trái khoảng 300m là tới chùa Vĩnh Tràng.

Các lưu ý cần biết khi đi Chùa Vĩnh Tràng

  • Đi nhẹ, nói khẽ, không cười nói to nơi tôn nghiêm.
  • Đây cũng là không gian sống và sinh hoạt của các vị sư nên bạn cần tôn trọng không gian riêng tư và không làm xáo trộn nếp sinh hoạt trong chùa.
  • Mặc trang phục lịch sự khi vào chùa.
  • Không nên tự ý đánh chuông, trống và các pháp khí của chùa.

Du lịch chùa Vĩnh Tràng là dịp để du khách chiêm ngưỡng nét đẹp kiến trúc cổ kính. Chùa không chỉ có kiến trúc độc đáo mà còn là nơi để quý khách có thể gửi gắm những ước vọng bình an và thả mình vào một không gian yên bình, an tịnh.