Vùng đất An Giang hiền hòa với những hàng thốt nốt cao vút trời xanh bên cạnh đồng lúa bao la tươi tốt, cùng nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, và rất nhiều điểm check-in ấn tượng.
Hãy cùng Bee Travel khám phá những điều thú vị ở An Giang ngay mùa hè này!!!
1. An Giang ở đâu?
An Giang là tỉnh ở miền Tây Nam Bộ, một phần trong vùng tứ giác Long Xuyên. An Giang cách Tp. HCM khoảng 230km và cách Cần Thơ khoảng 150km.
2. Check in “chất phát ngất” với 7 địa điểm du lịch cực hot tại An Giang
Rừng tràm Trà Sư
Rừng tràm Trà Sư nằm ở xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Rừng tràm Trà Sư đẹp nhất chính là vào mùa nước nổi. Đến đây, quý khách không chỉ bị thu hút bởi không gian thiên nhiên với rừng tràm rợp bóng hai bên, mà còn được tiếp xúc ở cự ly gần với hàng loạt loài chim nước, động vật hoang dã quý hiếm bởi nơi đây còn được phát triển để trở thành “ngôi nhà chung” – khu bảo tồn của rất nhiều lớp sinh vật nhiệt đới đang sinh sống ở vùng đất Tây Nam Bộ này.
Đặc biệt, để tham quan rừng tràm du khách sẽ được trải nghiệm ngồi trên xuồng ba lá và khám phá những cảnh quan thiên nhiên vô cùng đa dạng, những ngóc ngách mới lạ của khu rừng.Khi chiếc xuồng chầm chậm rẽ sóng xuyên qua rừng tràm. Quý khách sẽ choáng ngợp bởi vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng của Trà Sư. Quý khách cũng có thể tranh thủ hình check in cùng “tấm thảm nhung” bao phủ mặt nước.
Hãy thử tưởng tượng quý khách ngồi trên xuồng, nhẹ nhàng lướt qua cảnh thiên nhiên yên ả, “tạm bỏ quên” nhịp sống phố thị sau lưng, hòa vào tiếng chim vô danh vọng ra từ vòm tràm hai bên, tiếng mái chèo nhẹ khua mặt nước, chắc chắn rằng quý khách sẽ cảm thấy thư thái và như đã lạc trôi vào vùng đất thần tiên nào rồi đấy.
Dưới đây là một số trải nghiệm nhất định phải thử khi du lịch Rừng tràm Trà Sư:
- Check-in tại “thành phố bồ câu”
- Check-in Hòn Trống Mái tại khu du lịch rừng tràm Trà Sư
- Khám phá sự đa dạng sinh thái của các loài động vật
- Chèo xuồng trong rừng cảm nhận thiên nhiên hoang dã
- Chinh phục cây cầu tre xuyên rừng dài nhất Việt Nam
- Ngắm nhìn toàn cảnh rừng tràm từ trên tháp quan sát
- Check-in cây cầu tình yêu cực lãng mạn trong rừng
Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam
Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam nổi tiếng bởi sự linh thiêng cùng vị thế phong thủy tiền tam giang, hậu thất sơn huyền bí với nhiều tín ngưỡng tôn giáo tồn tại qua nhiều thập kỷ. Ngôi chùa miền Tây này là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, cũng là nơi hành hương quen thuộc được rất nhiều người ghé thăm để xin tài lộc, bình yên không chỉ ở trong nước mà ngay cả người Việt Nam ở nước ngoài cũng biết đến.
Đến thăm Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam quý khách sẽ thật sự phải ngỡ ngàng với kiến trúc độc đáo ở nơi đây:
Miếu có kiến trúc dạng chữ “quốc”, hình khối tháp dạng như hoa sen đang nở. Mái tam cấp ba tầng lầu được lợp bằng ngói đại ống màu xanh ngọc bích đẹp mắt, góc mái thì vút cao như mũi thuyền đang lướt sóng.
Bao xung quanh ngôi chính là các dãy nhà khách cũng được thiết kế hòa hợp với ngôi chính điện với góc mái cong. Chiêm ngưỡng quần thể miếu Bà Chúa Xứ ta sẽ thấy lối kiến trúc ở đây vừa tựa những ngôi chùa ở đất nước Nhật Bản xa xôi, lại vừa mang dáng dấp của kiến trúc các ngôi chùa Trung Hoa cổ, nhưng vẫn giữ được nét cổ truyền của Việt Nam.
Khu du lịch Núi Cấm
Núi Cấm còn gọi là Thiên Cấm Sơn, nằm ngay trung tâm của vùng Bảy núi chính vì thế núi Cấm có vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ. Đặc biệt, đỉnh Bồ Hong ở trên núi Cấm chính là đỉnh núi cao nhất trong Thất Sơn và cũng là ngọn núi cao nhất Đồng Bằng Sông Cửu Long. Với khí hậu mát mẻ được ví như một phiên bản “Đà Lạt” của miền Tây, Núi Cấm trở thành điểm tham quan, vui chơi, chiêm bái hấp dẫn bậc nhất trong các điểm du lịch An Giang.
Quý khách có thể chinh phục núi Cấm An Giang vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Trong đó thời gian du lịch núi Cấm đẹp nhất và vào mùa xuân, vì cảnh đẹp khi ấy mới đầy đủ: cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa trái xum xuê. Các hồ núi cao buổi sáng sớm sương trắng giăng đầy, buổi trưa nắng vàng dịu dàng, buổi chiều tối mây là đà bay, tiết trời về đêm se lạnh.
Ngoài ra Núi Cấm còn có dịch vụ cáp treo và du khách chỉ mất khoảng 15 phút đi cáp treo là có thể lên tới đỉnh núi. Ngồi trong cáp treo, quý khách có thể đưa tầm mắt nhìn rõ cả một khoảng trời An Giang từ trên cao xuống tuyệt đẹp.
Các điểm tham quan Núi Cấm: chùa Vạn Linh, thiền viện chùa Phật Lớn, Hồ Thủy Liêm, Vồ Thiên Tuế, động Thủy Liêm, vồ Bồ Hong, suối Thanh Long, di tích vua Gia Long, điện 13 tầng, hang Bác vật lang, hang Ông Thẻ, hang Ông Hổ, điện Rau Tần…
Khám phá nhiều nét văn hóa độc đáo tại làng Chăm Châu Giang
Bước vào Làng Chăm Châu Giang, quý khách sẽ có cảm giác như đang lạc vào một thế giới hoàn toàn khác. Đặc biệt, Thánh đường Mubarak lộng lẫy sẽ khiến quý khách phải trầm trồ bởi vẻ đẹp huyền bí, tinh tế và tráng lệ. Nhìn từ xa, Mubarak giống như những đền thờ cổ Ba Tư, Ấn Độ. Từ ngoài cổng chính là những hình vòng cung, tiếp đến là khoảng sân rộng, toà thánh đường bên trong. Bên trên là 2 tầng tháp, nóc tháp hình bầu dục và biểu tượng trăng lưỡi liềm, ngôi sao. Các vòm cửa có hình vòng cung nhọn đầu.
Người dân làng Chăm Châu Giang theo đạo Hồi. Tới tham quan làng Chăm, quý khách sẽ cảm nhận được sự thân thiết và hiếu khách của bà con nơi đây.
Ngoài ra, tại làng Chăm Châu Giang quý khách còn có thể tham quan làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống cổ truyền đã có từ hàng nghìn năm qua và sắm cho mình các món hàng thổ cẩm xinh xắn hay các hàng hóa trang sức như vòng, dây chuyền, hoa tai, bông tai, … cũng được đồng bào Chăm Vị trí đây làm hết sức công phu và đẹp mắt.
Cổng trời Koh Kas
Đến An Giang hội “sống ảo” quý khách sẽ ngỡ ngàng với vẻ đẹp cổ kính, độc đáo của chiếc “cổng trời” tại huyện Tri Tôn. Tọa lạc tại xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, “cổng trời” là cổng chùa Koh Kas một kiến trúc cổ độc đáo của người Khmer. Nơi đây được du khách gọi với nhiều cái tên như “cổng trời An Giang”, “cổng trời thời gian”.
Cổng trời An Giang không chỉ gây ấn tượng bởi vẻ đẹp của kiến trúc, mà còn bởi khung cảnh của không gian xung quanh. Nhìn từ trên xuống, du khách sẽ cảm thấy thực sự choáng ngợp trước bức tranh thơ mộng của thiên nhiên và tạo hóa đã ban tặng cho nơi này.
Cánh đồng Tà Pạ
Cánh đồng Tà Pạ là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất ở An Giang. Điểm đến này thu hút du khách quanh năm, cả mùa trồng lúa và khi thu hoạch. Ngắm những ô màu trên cánh đồng Tà Pạ vào bất cứ mùa nào, quý khách cũng có thể cảm nhận vẻ đẹp như một bức tranh thủy mặc giữa khung cảnh núi non hữu tình và cảnh mộc mạc của những người nông dân trên ruộng đồng.
Tại cánh đồng Tà Pạ, du khách cũng sẽ được nhìn thấy những cây thốt nốt – biểu tượng của vùng đất An Giang vươn cao đầy sức sống. Đặc biệt giữa cánh đồng có một con đường chia đôi nhìn từ trên cao, trông như một sợi tơ vắt ngang cánh đồng.
Vàm Nao
Vàm Nao là một cù lao thuộc huyện Phú Tân và đầu cù lao Ông Chưởng, huyện Chợ Mới (An Giang). Vàm Nao mỗi mùa đều mang cảnh sắc và vẻ đẹp riêng nhưng đẹp nhất là vào mùa nước nổi.
Cảnh quan thiên nhiên trong mùa nước nổi ở Vàm Nao là một biển nước mênh mông với những phong cảnh rất đẹp. Phong cảnh bình minh hay hoàng hôn trên đồng nước nổi không chỉ thể hiện cái mênh mông bao la của thiên nhiên mà còn tạo ra những bức tranh thủy mặc làm say lòng du khách.
Đến Vàm Nao, ngoài ngắm cảnh sông nước hữu tình, du khách còn được trải nghiệm rất nhiều điều thú vị: bơi xuồng tắm lũ, dỡ đú, chài cá, hái rau muống, bông điên điển, hái trái ấu…
3. Top 5 món đặc sản An Giang “ngon bậc nhất” nổi tiếng gần xa, qúy khách đã thử chưa?
Bún cá
Bún cá An Giang có cách chế biến và gia vị đặc trưng riêng. Từng nguyên liệu đặc trưng gói ghém trong tô bún nóng hổi không gì sánh được.
Nước lèo bún cá được nấu rất cầu kỳ: dùng nước luộc cá lóc ninh cùng xương heo cho ngọt nước, đun và vớt bọt liên tục trong nhiều giờ để không vị váng. Sau đó cho thêm mắm cá linh hoặc mắm ruốc, sả, nghệ và nêm nếm gia vị cho đậm đà. Đặc biệt là không thể quên là ngải bún vàng tươi thơm thơm để nồi nước dậy mùi và không bị tanh.
Khi ăn, bún sẽ được trụng rồi cho vào tô, xếp lên trên là những miếng cá vàng ươm sau khi luộc qua được bỏ xương và xào chung với nghệ. Một chút bông điên điển, rau răm rồi chan nước lèo sánh đặc lên là hương thơm nghi ngút lan tỏa đến đầu mũi cứ muốn hít hà mãi không thôi.
Ngoài ra, quý khách có thể ăn bún cá kèm với thịt heo quay, từng miếng thịt thơm ngon giòn rụm cắn vào đã miệng. Quý khách có thể cho vào bún hoặc chấm cùng chén nước mắm cốt, thêm chanh, vài lát ớt xắt. Húp chút nước, cắn miếng thịt cá chắc nịch dai và béo chấm cùng muối tiêu chanh. Mọi hương vị hòa quyện đong đầy trong miệng khiến ai được thưởng thức một lần đều khó mà dứt được.
Cơm tấm Long Xuyên
Khác với cơm tấm Sài Gòn, hạt cơm tấm Long Xuyên nhuyễn hơn, nhỏ hơn. Khi ăn, quý khách sẽ dễ dàng cảm nhận hương vị thơm, bùi bùi, có vị ngọt nhẹ của gạo quê và dường như tan ra trong đầu lưỡi khi nếm thử.
Không chỉ hạt cơm bé tí, nhiều thành phần khác trong đĩa cơm tấm Long Xuyên đều được cắt nhỏ ra khi thưởng thức. Thay vì để nguyên miếng sườn nướng “siêu to khổng lồ” như trong Sài Gòn, người ta thường thái thịt thật mỏng để dễ cho vào miệng hơn. Ngoài ra, các nguyên liệu khác như bì và trứng kho cũng được cắt nhỏ. Một đĩa hoàn thiện còn có thêm mỡ hành, dưa chua ăn kèm cùng nước mắm.
Khi ăn, quý khách chỉ việc chan thêm một ít nước mắm tỏi ớt vào và trộn đều lại rồi thưởng thức. Quý khách sẽ có cảm giác hạt cơm như giòn tan trong miệng, vị thơm ngọt của những hạt cơm bé li ti, quyện với vị thơm ngon của thịt, trứng, bì, vị chua chua ngọt ngọt của đồ chua. Tất cả tạo nên một hương vị khó quên đối với thực khách.
Lẩu mắm
Ghé An Giang, quý khách đừng quên thưởng thức đặc sản lẩu mắm nổi tiếng của miền sông nước Nam Bộ.
Lẩu mắm Châu Đốc là sự kết hợp hài hòa của mắm cùng các nguyên liệu khác để thành món lẩu thơm ngon nức mũi. Để nấu nước lẩu ngon, phải dùng mắm cá sặc hoặc cá chốt, ninh chín rồi lọc thật sạch xác mắm để nước được trong. Sau đó cho vào một ít sả băm, ớt, nước dừa tươi và thịt ba rọi cùng phi lê cá basa.
Khi nước vừa sôi, cá vừa chín tới, cho thêm cà tím đã cắt khúc. Khi miếng cà vừa chín tới là nước lẩu xem như hoàn tất. Nêm nếm gia vị cho vừa miệng ăn. Như nhiều loại lẩu khác, lẩu mắm Châu Đốc thường ăn kèm với bún tươi và các loại rau như bông súng, điên điển, so đũa, cù nèo…
Đứng trước mùi thơm của nồi lẩu mắm Châu Đốc, chắc chắn không có thực khách nào cưỡng nổi nếu không có 1 lý do nào đó thật đặc biệt. Lẩu mắm Châu Đốc luôn mang lại cho thực khách cảm giác ngon đậm đà, thơm ngây ngất và ăn ngon đến mê ly.
Xôi phồng chợ mới
Món xôi phồng chợ Mới được làm từ nguyên liệu chính là xôi nếp và đậu xanh. Chiên xôi phải dùng chảo gang và người chiên xôi phải kiên nhẫn, khéo léo. Khi chiên phải đều tay thì mới tạo được độ phồng tròn đều, chín vàng cả phần ngoài lẫn bên trong.
Xôi chiên xong phồng lên như quả bóng màu vàng ươm, cắt ra miếng xôi mỏng, thơm, ăn rất ngon. Du khách có thể ăn xôi phồng chấm với tương ớt, xì dầu cùng gà thịt gà quay hoặc ăn không vẫn rất ngon miệng.
Thưởng thức xôi phồng quý khách sẽ cảm nhận được rõ độ giòn rụm của lớp vỏ, hương thơm đậu xanh đặc trưng hòa quyện độc đáo cùng vị nước cốt dừa béo ngậy tan trên đầu lưỡi mang đến trải nghiệm ẩm thực đặc biệt hấp dẫn.
Chè thốt nốt
Là một trong những đặc sản nổi tiếng ở An Giang, chè thốt nốt với sự hòa quyện của các nguyên liệu tạo nên món ăn hấp dẫn. Món ăn không chỉ ngon mà còn thanh lọc cơ thể, tạo sự nhẹ nhàng, tươi tắn.
Quả thốt nốt tròn, to, có vỏ với màu tím đậm. Khi nấu chè người ta tách vỏ và lấy phần cơm dẻo, trong suốt làm thành phần chính cho món chè. Đường nấu chè phải lấy từ nước cây thốt nốt mới tạo vị ngọt thanh, vừa phải. Trước tiên phải nấu tan đường, cho nước cốt dừa vào, khuấy đều rồi cho cùi thốt nốt vào. Nhìn nồi chè thốt nốt nghi ngút, lan tỏa, bất cứ ai cũng bị thôi thúc bởi hương vị dậy mùi, màu sắc tinh khiết, trong trẻo.
Còn gì tuyệt bằng trong những ngày trời nắng nóng được thưởng thức món chè thơm ngon, mát lạnh từ thốt nốt. Vị ngọt béo của nước cốt dừa hòa quyện với vị thơm của đường thốt nốt tạo nên một sức hấp dẫn không thể cưỡng lại.
Sự thanh mát mà chè đem lại sẽ xua tan cái oi bức, khó chịu của bất cứ ai thưởng thức. Đặc biệt hơn, đường thốt nốt nấu cùng món chè dân dã miền Tây càng làm món ăn có vị thơm mát tự nhiên.
4. Đặc sản An Giang làm quà độc đáo
Đường thốt nốt
Đường thốt nốt là phần nước dịch lấy từ nhị hoa của cây thốt nốt rồi chế biến thành đường thốt nốt. Loại đường thốt nốt này có vị ngọt thanh, thơm đặc biệt và ăn uống rất mát hơn đường mía và đường củ cải. Quý khách hãy mua thử đường này về để dành nấu chè, nấu các món ăn hoặc biếu tặng cho người thân nha .
Cốm dẹp
Cốm dẹp An Giang là món ăn truyền thống của người Khmer.
Cốm dẹp ngon được làm từ hạt lúa nếp đầu mùa vừa căng hạt, đầy sữa kết hợp với dừa rám vỏ và đường thốt nốt hoặc đường cát để tạo vị ngọt, thơm và bùi của cốm và trải qua rất nhiều công đoạn cầu kì
Cốm dẹp ăn có thể ăn không để thưởng thức hương vị tự nhiên hoặc trộn thêm với dừa nạo, đậu phộng giã và đường để tăng thêm hương thơm, vị ngọt béo ngất ngây của món ăn. Chụm một miếng cốm rồi đưa vào miệng, quý khách sẽ cảm nhận được mùi thơm ngào ngạt tỏa ra đến tận khoang mũi, theo đó là độ dẻo cùng hương vị beo béo, ngọt bùi của cốm, đường thốt nốt và dừa nạo như tràn ngập trong miệng.
Ngoài ra, cốm còn được biến tấu bằng cách cuốn với bánh tráng ngọt hoặc bánh phông cũng rất lạ miệng. Chỉ một món ăn dân dã, đơn sơ nhưng lại mang đến hương vị, cảm xúc rất tinh tế. Chính vì thế mà cốm dẹp An Giang hoàn toàn có thể chiếm trọn tình yêu của mọi người ngay từ lần đầu nếm thử.
Tung lò mò
Tung lò mò là món ngon đặc sản của người Chăm ở An Giang. Theo tiếng của người chăm “tung” nghĩa là ruột, “lò mò” nghĩa là thịt bò. Tung lò mò ý nói là thịt trong ruột bò nói một cách văn vẻ hơn nghĩa là lạp xưởng bò. Món này có hương vị thơm ngon đậm đà, chiên lên ăn cùng cơm trắng nữa là hết sẩy, quả là một món đặc sản An Giang làm quà tặng hết ý.
Cà na đập
Đây là trái cây khá phổ biến ở An Giang, sau khi hái cà na xuống người ta sẽ đập cho dập để loại bỏ vị chát, sau đó trộn với đường. Cà na đập khi ăn sẽ chấm với muối ớt, du khách sẽ cảm nhận được độ giòn giòn, vị chua của cà na hòa lẫn với vị cay của ớt.
Mắm Châu Đốc và các loại khô
Mắm Châu Đốc nổi tiếng là thơm ngon khi ăn với cơm sẽ rất tuyệt. Du khách có thể lựa chọn các món mắm Châu Đốc khác nhau như: mắm ba khía, mắm linh, mắm sặc, mắm rô,…
Các khu vực chợ Châu Đốc ngoài bán các loại mắm thì nơi đây còn có rất nhiều loại khô như khô cá tra, khô cá sặc, khô bò Châu Đốc nổi tiếng là ngọt và dai, hay khô nhái,.. về làm quà biếu, làm đồ nhắm bia cũng rất ngon.
5. Thời điểm du lịch An Giang lý tưởng
Mùa đẹp nhất ở An Giang là mùa nước nổi vào khoảng tháng 9 – tháng 10 âm lịch. Vào mùa này, rừng tràm Trà Sư nước lên cao, những vạt bèo xanh mát phủ mọi ngóc ngách. Quý khách còn có thể thưởng thức các món đặc sản mùa nước nổi như bông điên điển, cá linh non, cua đồng,…
Nếu không đến được vào mùa nước nổi, quý khách có thể ghé An Giang vào tầm cuối tháng Tư âm lịch. Lúc này ở An Giang đang vào mùa lễ vía Bà Chúa Xứ Núi Sam. Tầm đầu tháng 9 âm lịch hằng năm, tại An Giang còn diễn ra lễ hội đua bò Bảy Núi, đây là lễ hội truyền thống độc đáo của người dân Khmer An Giang.
Ngoài ra, nếu đi du lịch An Giang vào khoảng tháng 9 – tháng 11 thì cánh đồng Tà Pạ sẽ là điểm đến tuyệt vời bởi khi ấy trổ lúa đẹp nhất. Hoặc quý khách có thể đến An Giang vào tháng 3 – tháng 4 khi ấy trời quang đãng, mát mẻ, những mùa hoa nở rất đẹp như hoa ô môi, bò cạp vàng, bằng lăng tím…nhưng đến tháng 7,8 thì trời hay mưa.
6. Di chuyển đến An Giang như thế nào?
Từ TP. HCM
Nếu đi từ Tp.HCM xuống An Giang, khách du lịch trong nước có thể di chuyển bằng 2 cách là đi bằng ô tô hoặc xe máy, nếu đi xe khách quý khách nên đến bến xe miền Tây mua vé ô tô đi Long Xuyên hoặc Châu Đốc. Sau khi tới An Giang, quý khách có thể bắt xe ôm, xe lôi máy hoặc taxi để đến các địa điểm tham quan.
Từ Hà Nội hoặc Đà Nẵng
Nếu đi từ Hà Nội hoặc Đà Nẵng quý khách có thể đi máy bay, tàu hỏa, xe khách đến TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ sau đó di chuyển tới An Giang. Nếu quý khách di chuyển bằng đường hàng không, sân bay ở Cần Thơ là điểm đến gần nhất.
7. Các lưu ý quan trọng khi đi du lịch An Giang
– Quý khách nên mang theo đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết như CMND, CCCD, giấy phép lái xe để dễ dàng đặt phòng, thuê xe máy
– Khi tham quan chùa, miếu, các điểm tâm linh quý khách nên mặc những trang phục phù hợp, kín đáo, lịch sự.
– Quý khách nên mang theo áo khoác, kem chống nắng, mũ, kính râm để bảo vệ làn da khỏi nắng nóng.
– Thuốc xịt muỗi, thuốc chống vắt cũng đóng vai trò rất quan trọng trong chuyến khám phá này
– Nếu quý khách có dự định thuê xe máy thì nên chọn địa chỉ cho thuê uy tín, kiểm tra kỹ lưỡng các bộ phận xe, đổ xăng đầy bình
– Du lịch sông nước quý khách nên mang giày bệt, dép lê để thoải mái vận động trên thuyền và cần phải mặc đồ bảo hộ khi lênh đênh sông nước An Giang.
Lời kết: Lên đường du lịch An Giang và khám phá nét đẹp của rừng núi miền Tây sông nước nhất định sẽ mang đến cho quý khách một chuyến đi đặc sắc.Nếu quý khách muốn đặt dịch vụ hay còn điều gì thắc mắc về du lịch An Giang, đừng ngần ngại liên hệ Bee Travel tư vấn nhiệt tình và hết mình nhé!
Tiền hoa hồng (%)