Nhắc đến vùng đất miền Tây là người ta sẽ nghĩ ngay đến vùng sông nước, không chỉ có vậy nơi đây còn có nhiều món đặc sản dân dã, lạ miệng chứa đựng tinh hoa của đất trời và đầy ắp tấm lòng hào sảng của người dân.

Hãy cùng Bee Travel khám phá ẩm thực miền Tây đặc sắc ngay mùa hè này!

1. Cá lóc nướng trui

Cá lóc nướng trui là món ăn trứ danh của vùng Tây Nam Bộ. Cá lóc nướng không cần đánh vảy hay sơ chế, cũng không cần tẩm ướp gia vị. Cá khi vừa bắt dưới sông lên, chỉ cần rửa sạch, xiên 1 chiếc que dài từ miệng đến đuôi cá rồi vùi vào đống rơm khô và châm lửa đốt. Đến khi tro tàn, cạo bỏ lớp vảy đen đã cháy xém là có thể ăn được.

Thịt cá sau khi nướng rất chắc, thơm ngọt. Cá lóc nướng trui thường được ăn kèm với với bún, bánh tráng nhúng nước, rau thơm các loại cuốn lại thành cuộn tròn chấm nước mắm. Nước mắm thường thì là nước mắm tỏi ớt, chanh, đường, giấm hoặc nước mắm dầm me.

Chấm miếng cá lóc nóng hổi còn bốc khói được cuộn tròn với tía tô, xoài sống vào bát nước mắm chua ngọt, cảm giác mới tuyệt vời làm sao.

2. Lẩu bần

Đúng như tên gọi, món lẩu này có nguyên liệu chính là trái bần – một loại trái phổ biến của vùng sông nước miền Tây.

Nồi lẩu ngon phải dùng bần chín, bởi bần sống sẽ làm cho nồi lẩu có vị chát. Ngoài bần, nước lẩu còn được ninh từ cá tươi để có vị ngọt thơm đặc trưng, có thêm xương heo được nêm nếm vừa ăn với một chút nước cốt me chua, sau đó cho thêm ít rau thơm cắt nhuyễn và ớt lát để thêm vị cay cho lẩu.

Sự hấp dẫn của lẩu bần nằm ở vị chua rất thanh và dịu. Tinh tế một chút khi thưởng thức lẩu bần, người ăn còn cảm nhận ra mùi thơm dịu nhẹ của hương bần. Ngoài ra, vị béo của cá, vị ngọt của các loại rau sống ăn kèm càng khiến quý khách khách lưu luyến, muốn thưởng thức mãi không thôi.

3. Lẩu cá linh bông điên điển

Đặc sản miền Tây lẩu cá linh bông điên điển đã nổi tiếng xa gần bởi hương vị thơm ngon, thanh mát. Với người miền Tây, để làm nên món đặc sản miền Tây lẩu cá linh bông điên điển ngon, trước hết phải có cá linh tươi. Cá linh nấu lẩu phải thật tươi, cá ngon nhất là vào đầu mùa nước nổi. Vì cá lúc này cá còn khá nhỏ nên việc chế biến sẽ tốn nhiều công sức hơn.

Món lẩu cá linh bông điên điển được nấu cùng nước dừa cho ngọt. Sau đó cho thêm nước mắm, đường, me dầm, và  ớt, tỏi. Khi nồi nước lẩu sôi, người ta cho thêm vào nước lẩu vài lát ớt sừng.

Để món đặc sản lẩu cá linh thêm thơm ngon hấp dẫn, ngoài bông điên điển, quý khách có thể ăn lẩu kèm bông súng và một số loại rau quen thuộc của nơi đây. 

Quý khách nếu đã có dịp thưởng thức qua lẩu cá linh bông điên điển, sẽ nhớ hoài cái hương vị ngọt mát tự nhiên, khó lẫn với bất kỳ món lẩu nào khác. Món ăn có vị bùi, giòn, chua của bông điên điển, vị ngọt của nước dừa tươi, vị thơm ngọt của cá linh chấm cùng nước mắm cay, thật khó có món ăn nào sánh kịp.

4. Bánh xèo bông điên điển

Bánh xèo có mặt ở miền Tây đã từ rất lâu đời, đến nay đã trở thành một món ăn không thể thiếu trong những buổi hội hè, vui chơi của người dân nơi đây. Bánh xèo bông điên điển mang trong mình những nét rất riêng, cái “hồn cốt” của ẩm thực miền Tây Nam Bộ mà không thể lẫn vào đâu được.

Bánh xèo bông điên điển là tổng hòa của nhiều hương vị rất hài hòa có chua cay của nước chấm, ngọt của tôm thịt, giòn giòn của vỏ bánh, bông điên điển và bùi bùi của mỡ hành. Bánh được ăn với các loại rau trong vườn nhà như: đọt bằng lăng, đọt xoài, đọt điều, lá mơ…mang đến cho quý khách hương vị bánh xèo mới lạ đến khó quên.

5. Gỏi tép bông điên điển

Gỏi tép rong bông điên điển là món ăn dân dã miền Tây sông nước. Món ăn mang hương vị ngọt ngào của bông điên điển và tép đồng của vùng nước ngọt phù sa. Vào những buổi trưa oi ả, mâm cơm bình dị có thêm món gỏi đặc biệt này, những mệt mỏi như được xua tan nhường chỗ cho những tiếng cười và niềm hạnh phúc. 

Màu vàng của bông điên điển kết hợp với màu đỏ hồng của tép đồng, điểm vài sợi rau mùi màu xanh khiến món ăn càng thêm bắt mắt. Vị chua cay mặn ngọt của nước trộn, vị nhẫn nhẫn, ngòn ngọt, giòn xốp của bông điên điển hòa cùng vị ngọt, giòn tan của tép đồng làm cho món ăn hấp dẫn.

6. Bún mắm

Bún mắm nổi tiếng là món đặc sản thơm ngon, đậm đà ở miền Tây sông nước. Nếu đến du lịch miền Tây thì đây là món ăn quý khách không thể nào bỏ lỡ khi khám phá ẩm thực ở đây.

Món bún mắm gây thương nhớ nhất là ở nước dùng. Nước dùng của bún mắm ngoài vị đậm đà, béo ngậy của cá linh còn là sự hòa quyện với vị ngọt thơm của lóc tạo ra một hương vị say đắm lòng người.

Phần nhân của bún mắm cũng gây thích thú không kém đối với thực khách. Bao gồm: tôm lột sạch vỏ cá lóc, mực ống, thịt heo quay kèm những loại rau đặc trưng của miền Tây… tất cả đều được chần chín sau đó sẽ được cho vào bát và chan phần nước lèo lên trên tăng thêm hương vị thơm ngon và đậm đà, hấp dẫn.

Nhìn vào một tô bún mắm với đầy đủ màu sắc và hương thơm hẳn là đã đủ quý khách say mê. Với màu trắng nõn nà của những sợi bún giòn dai; màu vàng sánh mịn của nước lèo và thịt heo quay, màu hồng hào của tôm, màu xanh tươi của rau cùng với hương thơm lôi cuốn đảm bảo sẽ làm quý khách phải nao lòng. Phải công nhận bún mắm là món ăn có cả một nghệ thuật ẩm thực.

7. Cháo cá lóc rau đắng

Rau đắng là một loại rau khá phổ biến và được xem là một đặc sản ở Miền Tây. Trong cuộc sống hằng ngày, người dân Miền Tây thường ăn rau đắng bằng cách luộc hay ăn sống. Nhưng với sự sáng tạo không ngừng nghỉ, người dân nơi đây đã tạo ra món cháo cá lóc rau đắng thơm ngon khó cưỡng. 

Vị rau đắng bùi bùi, đăng đắng đắm chìm trong vị ngọt, béo của cá lóc. Chắc chắn sẽ làm xiêu lòng các thực khách gần xa. Trong những ngày mưa rỉ rả hòa cùng cái lạnh của làng quê Miền Tây. Có một tô cháo cá lóc rau đắng nóng hổi và chén nước mắm thì chẳng có gì sướng bằng. Mọi cái lạnh của thời tiết lúc này sẽ được xua tan ngay lập tức.

 8. Cơm cháy kho quẹt

Cơm cháy chấm kho quẹt là một món ăn quen thuộc của người miền Tây. Không quá cầu kì trong thành phần cũng như cách chế biến, nhưng thứ đặc sản dân giã này chính là biểu hiện của sự đoàn kết, tình yêu thương giữa những người con đất Việt hiền hậu và chân chất.

Nước sốt kho quẹt được chế biến với những nguyên liệu vô cùng sẵn có đối với những người dân nơi đây với tóp mỡ, thêm ít nước mắm, bột ngọt, đường, …mấy con tép trấu, mấy con cá lòng tong, lòng ròng thì đổ chung vào; rồi thêm mấy củ hành tím, mấy cọng ngò gai, xắt nhuyễn, nêm thêm tiêu, ớt xắt rồi đem kho.

Để trên lửa than, nồi kho dần khô lại. Để tạo độ sệt cho nồi kho có người còn cho thêm ít nước cơm sôi vừa chắc vào rồi kho cho đến khi cạn, vàng. Khi ăn, người ta dùng đũa quẹt mạnh xuống đáy nồi để lấy chất mặn mòi và thơm thơm mùi đặc trưng đó. Hành động ấy dân chuyển thành tên gọi của món ăn thú vị của người lao động.

Miếng cơm cháy vàng rụm; giòn tan nom như vầng trăng ngày rằm được ăn kèm với kho quẹt tạo nên một món ăn mang đủ vị 5 vị: ngầy ngậy, ngọt bùi, cay dịu và chút mằn mặn đặc trưng cho khẩu vị của người miền Tây sông nước.

Nếu tranh thủ được, người Miền Tây còn hái thêm mấy đọt nhãn lồng, hay trái đậu rồng quanh bờ rào đem luộc hoặc hấp cơm. Gắp ít cọng rau, chấm nhẹ vào nồi kho quẹt, đưa lên miệng, ăn cùng cơm nóng, để tận hưởng trọn vẹn vị thanh, bùi của rau, hòa quyện cùng vị mằn mặn, ngòn ngọt của nồi kia, một cảm giác ngất ngây.

9. Đuông dừa

Với nhiều người, chỉ cần nhìn những con đuông dừa to ú gần bằng ngón tay không ngừng ngọ nguậy là đã cảm thấy vô cùng lạnh sống lưng. Thế nhưng đối với phần lớn bà con vùng đất miền Tây Nam Bộ, đây lại là một món đặc sản thơm ngon, hiếm có, không phải lúc nào cũng có sẵn để thưởng thức.

Đuông dừa có thể được xem là một loại  thực phẩm cực kỳ sạch, thơm ngon và béo bổ, bởi nó làm tổ và hút những gì tinh túy, dinh dưỡng nhất của cây dừa, hoàn toàn không bị ảnh hưởng xấu từ môi trường bên ngoài, không gây nguy hiểm đến sức khỏe của người ăn. 

Đặc biệt, hàm lượng chất đạm, chất béo và vitamin A, C, B1 trong đuông dừa khá cao, do đó đuông dừa là món ăn khá bổ dưỡng để cung cấp các chất cần thiết cho cơ thể, hỗ trợ chống lão hóa, tăng cường sức khỏe.

Đuông dừa là món ăn được nhiều người ưa thích bởi hương vị thơm ngon, beo béo và có thể chế biến thành nhiều món khác nhau. Một số cách phổ biến mà mọi người thường chế biến đuông dừa có thể kể đến như nấu cháo, tẩm bột chiên, làm gỏi, rang mặn, hấp xôi, nướng muối ớt,… Quý khách khi đến chơi miền Tây có thể lựa chọn cách chế biến sao cho phù hợp với khẩu vị của mình.

10. Chuột đồng nướng lu

Tại miền Tây, thịt chuột được người dân rất yêu thích vì là thực phẩm sạch, do thức ăn chủ yếu của loài này là nông sản, cỏ non, còn khu vực sống của chúng lại xa dân cư nên ít mầm bệnh.

Chuột có rất nhiều loại cũng được chế biến thành cả trăm món ăn khác nhau: chuột nấu canh chua, chuột kho, chuột nướng chao, chuột xào lá cách, lá mãng cầu, sả ớt…lạ miệng hơn nữa là món chuột đồng nướng lu thơm lừng, mỗi món ăn từ thịt chuột sẽ đều đánh động vị giác của quý khách để lại cảm nhận đậm đà khó quên.

Chuột đồng nướng lu là đặc sản không phải ai cũng dám thử. Chuột no nê lúa chín nên béo múp míp, được làm sạch và ướp gia vị, sau đó cho vào lu quay đến khi chín vàng. Thịt chuột vừa quay vừa trở tay, thêm mỡ, thêm nước gia vị, khoảng một tiếng sau thì chuột chín vàng, thịt thơm, mềm và da rất giòn, ngon. Thịt chuột ăn kèm dưa leo, rau răm chấm muối ớt… tạo nên hương vị mới lạ, hấp dẫn.

Lời kết: Trên đây là những món ăn đặc sản của miền Tây Nam Bộ mà quý khách nhất định phải thử một lần nếu có dịp ghé qua. Hãy cùng BEE TRAVEL đến tận nơi để vừa được thưởng thức vừa được tận mắt chiêm ngưỡng cách chế biến các món ngon ở đây nha 🤗